Rủi ro cổ phiếu VPB từ góc nhìn nhà đầu tư
Đầu tư - Tài chính 01/11/2019 12:44
Ảnh minh họa |
VPB là đế chế riêng của nhóm tỷ phú?
Sự thành công những tỷ phú trong hệ thống của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank khó có thể phủ nhận. Tuy vậy, với giới đầu tư, ban lãnh đạo của doanh nghiệp đó có hướng tới lợi ích dành cho nhà đầu tư bên ngoài hay không mới là vấn đề cốt lõi.
Theo tìm hiểu, ông Lô Bằng Giang, Chủ tịch FE Credit và ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch ngân hàng mẹ VPB đều không có gốc chuyên môn về tài chính, mà có xuât phát điểm chuyên về kỹ thuật, kinh doanh ở Châu Âu. Ông Ngô Chí Dũng là Tiến sỹ kinh tế, công tác tại Viện Nghiên cứu chiến lược chính trị kinh tế, thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga - Nga (2002). Ông cũng là Kỹ sư Địa chất - Đại học thăm dò địa chất Matxcova – Nga. Ông Dũng có thâm niên kinh doanh tại Nga hàng thập kỷ, tương đương thời gian sau đó hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
VPBank có thể nói là mô hình ngân hàng gia đình hoặc nhóm gia đình. Cá nhân ông Dũng sở hữu hơn 4% vốn cổ phần của ngân hàng. Vợ ông, bà Hoàng Anh Minh hiện sở hữu hơn 125 triệu cổ phiếu VPB, trong khi mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên đang sở hữu hơn 120 triệu cổ phiếu. Tính chung, các cá nhân trên thuộc gia đình Chủ tịch VPBank sở hữu khoảng 15% vốn tại VPBank.
Cộng sự của ông Dũng, Phó Chủ tịch VPBank Bùi Hải Quân (sinh năm 1968, Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân Kiev – Ukraina) cùng vợ là bà Kim Ngọc Cẩm Ly cũng đang là những cổ đông lớn tại ngân hàng với hơn 165 triệu cổ phiếu.
Đồng cấp với ông Quân, Phó Chủ tịch Lô Bằng Giang và là Chủ tịch FE Credit cùng người thân cũng đang là những người nắm giữ một lượng lớn cổ phần chi phối tại VPBank. Trong đó, ông Lô Bằng Giang (sinh năm 1972, Thạc sỹ Kinh tế - Đại học Tổng hợp Hàng không Quốc gia Kiev - Ukraina) dù chỉ sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu, nhưng mẹ (bà Lý Thu Hà) và vợ ông (bà Nguyễn Thu Thủy), cùng chị gái (bà Lô Hải Yến Ngọc) đều đang sở hữu một lượng cổ phiếu đến hơn 111 triệu cổ phiếu. Tính chung, gia đình ông Lô Bằng Giang đang sở hữu hơn 114 triệu cổ phiếu VPB.
Ngoài ra, ban lãnh đạo VPBank thường có những giao dịch cổ phiếu sang tay. Chẳng hạn hồi tháng 8, bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng, đã bán 4 triệu cổ phiếu VPBank cho con gái Ngô Minh Phương. Giao dịch diễn ra theo phương thức thỏa thuận. Trước khi thực hiện giao dịch, bà Phương chưa hề nắm trong tay cổ phiếu nào của VPBank.
Theo giá cổ phiếu ngày 8/8/2019, 4 triệu cổ phần VPBank bà Phương mua từ mẹ có giá trị thị trường 75 tỷ đồng. Sau giao dịch bán cổ phần cho con, bà Hoàng Anh Minh nhường lại vị trí cổ đông lớn nhất ở VPBank cho chồng. VPB gần như không chia cổ tức bằng tiền mặt và thường xuyên chia cổ tức bằng cổ phiếu. Kèm theo đó, là hàng loạt thương vụ phát hành riêng lẻ.
Năm 2019, VPBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành tối đa 260 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30%.
Năm 2018, VPBank đã thực hiện 2 đợt tăng vốn điều lệ. Đợt 1 tăng vốn từ mức hơn 15,706 tỷ đồng lên gần 24,963 tỷ đồng bằng việc chia cổ tức và cổ phiếu thưởng (không chia cho cổ phiếu ưu đãi cổ tức/cổ phiếu quỹ) với tỷ lệ 61.817 %. Đợt 2, VPBank tăng vốn điều lệ từ gần 24,963 tỷ đồng lên gần 25,300 tỷ tỷ đồng bằng việc phát hành gần 33.7 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ, nhân viên.
Giá chào bán được xác định bằng hình thức dựng sổ hoặc các hình thức khác phù hợp.
Thời điểm thực hiện chào bán dự kiến diễn ra từ 2019 - 2020, tùy thuộc vào mức độ thuận lợi thị trường và các thủ tục theo quy định. Dự kiến nguồn vốn thu về sẽ dùng để đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động của VPBank.
Một hoạt động giao dịch tại VPBank. Ảnh minh họa |
Quá nhiều rủi ro từ phân khúc khách hàng
Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng mạnh và nợ xấu đã được VPBank cải thiện liên tục nhưng giá cổ phiếu vẫn trượt dốc. Nguyên nhân lớn gần như đang nằm ở phân khúc khách hàng của VPBank.
Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, ngoài nhóm khách hàng vay nợ lãi suất cao, bóng dáng của các ông lớn "bất động sản" trong mảng bán buôn khá lớn.
Thứ nữa, số dư phần trái phiếu doanh nghiệp rủi ro chiếm trên 1/3 vốn chủ sở hữu. Được biết, 8 tháng đầu năm 2019, VPB là ngân hàng dẫn đầu trong những ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu nhiều nhất với khoảng 13.860 tỷ đồng. Trong đó có 300 triệu USD trái phiếu quốc tế.
Cơ cấu kinh doanh của VPB chủ yếu phụ thuộc vào công ty cho vay tiêu dùng FE Credit (khoảng xấp xỉ 50% tổng thu nhập lãi thuần). Trong mảng FE Credit, có 4 nhóm sản phẩm chính là cho vay tiền mặt, cho vay tiền mặt đảo nợ chéo, cho vay mua xe máy và cho vay mua hàng điện tử gia dụng.
Lúc đầu, nhà đầu tư cho rằng, FE Credit kiếm tiền từ việc cho vay mua điện thoại điện máy, song đây là mảng họ chấp nhận thua lỗ với các chương trình 0% nhằm thu hút được lượng khách lớn.
Nhưng thực tế gần như 3/4 lợi nhuận của FE lại đến từ 2 nhóm sản phẩm cho vay tiền mặt chính là cho vay tiền mặt và vay tiền mặt đảo nợ chéo. Điều này dẫn đến mức lãi suất cho vay trung bình của FE lên đến hơn 40%, và chủ yếu là các khoản cho vay tín chấp nhằm đảo nợ.
Trên thực tế, có khá nhiều lý do để ngân hàng chấp nhận cho khách hàng đảo nợ như: cho khách hàng vay mới để trả nợ cũ tại một ngân hàng để chuyển dư nợ của khách hàng đó về ngân hàng mình; cho vay để trả nợ lãi tại chính ngân hàng đó và sau đó, lãi cho vay được nhập vào nợ gốc của khách hàng; cho khách hàng có tình hình tài chính tốt vay dài hạn nhằm trả nợ cho những khoản vay ngắn hạn tại chính ngân hàng, với mục đích cơ cấu lại thời hạn của khoản vay; cho vay đảo nợ nhằm che giấu nợ xấu của khách hàng…
Dù đem về lợi nhuận cao nhưng nhóm khách hàng của VPB khá rủi ro, đó cũng là lý do khiến cho nợ xấu của ngân hàng này xếp vào nhóm cao nhất trong hệ thống (trên 3%).
Trong số các ngân hàng trong hệ thống, VPBank cũng là ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản lớn bậc nhất. 6 tháng đầu năm, VPBank là ngân hàng có dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng gần 67.600 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ so với cuối năm trước.
Dư nợ cho vay bất động sản của VPBank đạt gần 48.400 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng. Riêng cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở đạt 21.885 tỷ đồng.
Xét về tỉ trọng, cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm 27,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 19,58%; cho vay xây dựng chiếm 7,72%.
(Còn tiếp)