Quốc hội thảo luận hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế: Cần kiểm soát tốt dòng vốn vay để tránh rủi ro cho nền kinh tế
Sự kiện 07/01/2022 13:36
Ngày 7/1/2022, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hộ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế; chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Theo tờ trình của Chính phủ, mục tiêu chương trình phục hồi kinh tế là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất - kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động - nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội sáng ngày 7/1/2022 |
Chương trình xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023: Dành 60.000 tỉ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; 53.150 tỉ đồng bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; 110.000 tỉ đồng hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; 113.850 tỉ đồng phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng.
Góp ý vào dự thảo, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, ba mục tiêu khái quát về đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%, phục hồi sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Những mục tiêu này chưa rõ kết quả nguồn lực đầu vào và hiệu quả đầu ra sẽ thế nào.
"Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách. Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng và thành tích. Vì thế, vấn đề cốt lõi cần đạt được là thực chất và hiệu quả”, đại biểu Mai nêu quan điểm.
Theo đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), áp lực rất lớn khi chúng ta tập trung huy động vốn trong nước gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm. Do đó phương án huy động vốn cần xác định rõ hơn vốn vay trong nước và vốn vay nước ngoài là bao nhiêu? cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian vay, ân hạn trả nợ, lãi xuất không phải là hấp dẫn, hơn nữa cần ràng buộc nhiều điều kiện khác.
Đại biểu Mai Văn Hải phát biểu ý kiến từ điểm cầu Thanh Hóa |
Nêu lên giải pháp phòng chống dịch, đại biểu Hải cho rằng, đây là giải pháp cần phải quan tâm đầu tiên để chúng ta mở cửa nền kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVI-19. Tôi thống nhất cần phải quan tâm, nâng cao năng lực y tế cơ sở nhưng cũng cần làm rõ căn cứ, tiêu chí để đầu tư cho 2.154 xã với số tiền 5.000 tỷ đồng. Theo tôi cần cân nhắc thêm việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho y tế cơ sở, nên chăng cần rà soát 1.551 xã đặc biệt khó khăn vùng miền múi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã nào chưa đảm bảo về cơ sở vật chất thì đầu tư.
Đối với y tế cơ sở cần dành nguồn lực để bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ y bác sỹ nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế huyện nhất là trang thiết bị y tế, để nâng cao phòng và chữa bệnh. Thực tế một số xã cơ sở vật chất khang trang nhưng người dân không đến khám chữa bệnh vì năng lực, điều kiện không làm được.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2%/năm lãi suất vay của NHTW với số tiền 40.000 tỷ đồng cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất như: Du lịch, dịch vụ, nhất là khách sạn và ăn uống; vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, lao động việc làm. Đặc biệt kiểm soát tốt dòng tiền cho vay để phục hồi sản xuất kinh doanh chứ không phải vay để đem đi đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản, đầu tư vào một số lĩnh vực rủi ro khác dẫn đến nợ xấu làm suy giảm nền kinh tế - đại biểu Mai Văn Hải khuyến cáo.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thu Dung (Thái Bình) đề nghị cần nghiên cứu kỹ để tập trung nguồn kinh phí cho những dự án có khả năng hấp thụ cao và có cơ chế kiểm soát để tránh rủi ro cho nền kinh tế.
“Với việc chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, chi cho công tác phòng, chống dịch, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị nhân lực cho ngành y tế. Tuy nhiên về an sinh xã hội, cần phải thống nhất lãi suất ngân hàng chính sách vay vốn, có sự giám sát chặt chẽ đối tượng vay vốn, vì thực tế có nhiều trường hợp vay không có khả năng hoàn trả, dẫn đến khả năng mất vốn” – đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn.
Tại phiên thảo luận sáng ngày 7/1, đa số các đại biểu đều nhất trí cần ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 và thời gian tiếp theo, không để nước ta rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn