Phục dựng danh thơm Phố Hiến
Xã hội 22/08/2023 09:12
Sản vật dồi dào, tinh túy, thơm thảo
Đó là hệ quả kép từ Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và chủ trương phát huy sức mạnh tiềm tàng từ các làng nghề truyền thống được kích hoạt bằng các giải pháp công nghệ. Theo đó, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 199 sản phẩm OCOP, trong đó có 157 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Các làng nghề nổi danh vẫn giữ phong độ như Làng nghề long nhãn Hồng Nam, Làng nghề tương Bần, Làng nghề chạm bạc Huệ Lai, Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng…
Hàng loạt những kết quả nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kĩ nghệ thông tin, công nghệ sinh học đi vào nông thôn, vào mỗi loại cây trồng, vật nuôi tạo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, đi đôi với chuyển giao các doanh nghiệp, nông dân áp dụng kĩ thuật tiên tiến thực hành ngay trên đồng đất quê nhà, trong các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản. Một trong đó là ứng dụng công nghệ để sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo tại Kim Động, được đưa vào sản xuất dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học bằng dây chuyền khép kín.
Dù ai buôn Bắc bán Đông/ Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên. |
Sẽ là không đầy đủ khi nói đến sự trù phú của Hưng Yên mà không nói đến trái nhãn, bởi từ lâu đặc sản này đã vào thơ ca, khúc hát cùng trang sách các em thơ như một điều tất yếu khi nói về vùng đất từng mang biệt danh Phố Hiến. Người ta ví Hưng Yên như “thủ đô” của cây nhãn, dù bây giờ nhiều nơi có nhãn, song nhãn lồng Hưng Yên vẫn là “vua” của loài nhãn.
Đến nay, tỉnh “chỉ có” khoảng 5 nghìn ha, trong đó có 1,7 nghìn ha sản xuất theo quy trinh VietGAP. Riêng thủ phủ nhãn - TP Hưng Yên, có hơn 1 nghìn ha với nhiều giống quý, trong đó có 10ha nâng cấp từ quy trình VietGAP sang canh tác theo hướng hữu cơ. Năm 2023, toàn tỉnh thu khoảng 40 nghìn tấn nhãn quả với 20 vùng trồng nhãn xuất khẩu, trong đó 13 vùng được cấp mã vùng sang Trung Quốc. 5 vùng sang Nhật và 2 vùng sang Mỹ.
Trước đây chỉ có “nhãn tháng Sáu”, nay xông xênh với 3 trà vụ: Nhãn sớm - nhãn chính vụ - nhãn muộn, mở màn từ tháng 3, qua tháng 7, kéo dài tới giữa tháng 10. Nhãn sớm chỉ chiếm từ 4-7% diện tích, bù lại giá cao gấp 2-3 lần nhãn chính vụ. Vào trà nhãn chính vụ cũng là lúc đại trà chế biến long nhãn. Ngày trước sấy nguyên quả, nay thành 3 công đoạn: Chọn quả - xoay quả lấy cùi - sấy khô bằng lò nhiệt ngót nghét 24 giờ, khoảng 9-10 cân nhãn quả được 1 cân long nhãn. Nhãn làm long nhãn thường là nhãn đường phèn, trong đó nhãn Phương Chi cùi dày, thơm ngọt được lựa chọn hàng đầu. Đây là giống nhãn quý tại phường Hồng Châu, TP Hưng Yên, cây thấp, cành xòe rộng, tán tròn sum suê, lá xanh đậm, nhiều đợt hoa. Đợt hoa đầu nếu gặp thời tiết không thuận, không đậu thì có hoa đợt hai, đợt ba. Có lẽ vậy, nhãn Phương Chi được lên sàn thương mại điện tử sớm từ 2021. Nay việc đăng kí bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí, lên sàn giao dịch điện tử, mở và quản lí gian hàng, đăng bán sản phẩm, kết nối đối tác…. không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất.
Nỗ lực từ mọi nguồn lực, nhiều hướng
Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hưng Yên, các huyện: Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đã được tỉnh chứng nhận, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thực hiện Chương trình OCOP; 12 hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số, kĩ năng quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm trực tuyến qua các trang mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, Sở phối hợp với phòng NN&PTNT các huyện: Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Kim Động hỗ trợ 6 mô hình phát triển sản phẩm OCOP, để nhân rộng trên toàn tỉnh. Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư đã hỗ trợ trang bị máy, thiết bị, mở mang, nâng cấp hạ tầng giao thông…
Các cơ quan chuyên môn, kĩ thuật của Bộ Công Thương như Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Mạng lưới tham tán thương mại chung tay với các cơ quan tương ứng của tỉnh, sát cánh với doanh nghiệp, liên kết với các địa phương, tiếp cận các kênh phân phối nước ngoài, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử… Ngành NN&PTNT ban hành các chính sách áp dụng các đề án mô hình phát triển nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, hữu cơ, xây dựng hệ thống quản lí chất lượng, tem nhận diện sản xuất an toàn, xây dựng logo, nhãn hiệu, thiết kế bao bì, liên kết các vùng sản xuất…
Ngoài cây nhãn, cộng đồng làng nghề của tỉnh vừa cho ra nhiều sản phẩm, vừa tạo sức hút du lịch đã trợ lực mở toang cánh cửa thị trường. Đồ chơi Trung thu của làng nghề Ông Hảo không chỉ được gửi đi muôn nơi mà còn được tôn vinh bởi khách du lịch, kể cả du khách nước ngoài đến tham quan. Làng nghề hương xạ Cao Thôn nay đã thành địa chỉ du lịch khám phá, khách được tham gia vào các công đoạn làm hương và mua… hương. Đến với làng nghề đan đó tre bắt cá tôm, du khách được tìm hiểu các công đoạn và tự làm ra những dụng cụ ấy. Ngày nay tương Bần không còn xa lạ, song cảnh trí của làng nghề này thì hiếm có. Đó là những khoảng sân rộng xếp hàng hàng, lớp lớp dãy chum sành bằng nhau chằn chặn để làm tương, quanh năm dầm mưa dãi nắng thu năng lượng đất trời quyện cùng nước giếng quê và con men làm ngấu ngô, gạo, đỗ tương, chiết ra những giọt tương vàng óng thơm ngọt khó tả. Làng nghề chạm bạc Huệ Lai, Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng nay đã có máy móc đỡ dần người thợ, cho ra nhiều sản phẩm đồng nhất, song những nét tinh tế, hoàn mĩ thì vẫn phải nhờ những bàn tay tỉ mẩn, say nghề…
Sẽ là cảm nhận tuyệt vời khi ta được đến vườn nhãn chín rộ, dưới dịu mát tán cây được giảng giải về quy trình chăm sóc, nhất là thủ thuật tránh rụng quả non, cách phân biệt giống nhãn và được thưởng ngoạn hương vị cùi nhãn tươi ngay khi quả vừa hái.Tất cả hướng tới phục dựng danh thơm “Thứ nhì Phố Hiến”