Phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng
Tin tức - Sự kiện 25/06/2024 07:44
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm phát biểu hội nghị |
Hằng năm, lực lượng Công an tiếp nhận trên 100 đơn tố cáo liên quan đến loại tội phạm này, qua đó xác định một số phương thức, thủ đoạn phổ biến tại địa phương như sau: giả danh cơ quan thực thi pháp luật; sử dụng sim không chính chủ, thiết bị chuyển đổi số điện thoại, phần mềm AI giả lập hình ảnh để giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi đến người bị hại, thông báo họ có liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền…; và giả danh nhân viên Công ty viễn thông, Công ty điện lực gọi điện thông báo nợ cước viễn thông, cước điện lực; giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, v.v. nhằm gây sức ép, dọa nạt, làm người dân hoang mang.
Nhân viên ngân hàng kể việc ngăn chặn thành công người dân chuyển tiền cho tội phạm |
Thủ đoạn lừa đảo mua hàng trực tuyến với giá rẻ: đăng tin bán ô tô, xe máy, thiết bị điện tử giá rẻ trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, v.v. Tuyển cộng tác viên Online: mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, tiktok, v.v. tuyển cộng tác viên làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng để tăng tương tác, v.v. hứa hẹn trả hoa hồng cao. Kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo: lập ra các trang web, ứng dụng giao dịch tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối, v.v. kêu gọi người dân tham gia đầu tư để thu lợi nhuận. Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện. Giả yêu đương, gửi nhận tiền, bưu phẩm từ nước ngoài: Đối tượng kết bạn qua mạng xã hội facebook, zalo, telegram, viber, v.v. giới thiệu là người nước ngoài, doanh nhân thành đạt, đang công tác ở nước ngoài làm quen với người bị hại (chủ yếu là phụ nữ) “giả” yêu đương, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao.
Đánh cắp hoặc tạo tài khoản mạo danh trên mạng xã hội: chủ yếu là facebook, zalo, sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay mượn tiền và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của các đối tượng, sau đó chiếm đoạt. Vay tiền trực tuyến: Đối tượng sử dụng mạng xã hội giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng. Cài đặt ứng dụng giả mạo: Thông báo trúng thưởng, quà tặng. Giả mạo trang web các khách sạn, resort.
Xác định tính chất chuyển hướng của tội phạm trên không gian mạng, Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp công tác nhằm chủ động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, nhất là tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, các đơn vị đã tổ chức xác minh hơn 60 vụ việc, đưa vào tin báo, tố giác tội phạm 9 vụ, khởi tố vụ án hình sự 1 vụ liên quan đến tội phạm công nghệ cao nói chung. Đã phát hiện, điều tra xử lý 47 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 4 vụ liên quan không gian mạng với các thủ đoạn hack tài khoản ngân hàng, lừa bị hại nhận quà, quảng cáo hoặc kêu gọi từ thiện…;
Đặc biệt những tháng đầu năm 2024 với tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác cao một số nhân viên ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phát hiện và phối hợp với công an các địa phương ngăn chặn 4 vụ việc bị hại chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo với số tiền hàng tỷ đồng, cụ thể: Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Hàm Mỹ phát hiện, ngăn chặn bà Lưu Thị Hồng Đào chuyển 1.800.000.000 đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 9/4/2024; Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Thuận phát hiện, ngăn chặn bà Trần Thị Huệ chuyển 450.000.000 đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 12/4/2024; Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Hàm Thuận Bắc phát hiện, ngăn chặn bà Lê Thị Nhanh chuyển 3.200.000.000 đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 3/5/2024; Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Bình Thuận phát hiện, ngăn chặn trường hợp chuyển 2.tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 12/6/2024.
2 ảnh trên: Khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc |
Hội nghị nghe báo cáo kinh nghiệm của các ngân hàng trong phát hiện ngăn chặn các vụ việc lừa đảo xảy ra vừa qua. Thảo luận các vấn đề liên quan.
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc,Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận phát biểu: qua hội nghị, nhận diện được 11 phương thức, thủ đoạn phổ biến lừa đảo tại địa phương, từ đó đề ra các giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị cũng đã trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong thời gian tới, tạo môi trường an ninh, an toàn, phục vụ các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cũng tại Hội nghị, có 4 tập thể được nhận tiền thưởng của Bộ Công an, 2 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, Công an tỉnh Bình Thuận cũng tặng Giấy khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân.