Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi): Giữ nguyên 12 đối tượng hưởng chế độ chính sách
Tin tức - Sự kiện 11/08/2020 15:42
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN. |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã báo cáo về dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Pháp lệnh cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Pháp lệnh hiện hành và quy định 3 đối tượng áp dụng: Người có công với cách mạng; Thân nhân người có công với cách mạng; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành. Theo đó, dự thảo đã làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Ủy ban tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh xuất phát từ những yêu cầu như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình và thấy rằng, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm “thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”, “không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công” cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.
Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của dự án Pháp lệnh như dự thảo Chính phủ trình: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Dự thảo gồm 6 chương, 57 điều, trong đó có 2 chương mới là Chương III về Công trình ghi công liệt sỹ và Chương IV về Nguồn lực thực hiện, bỏ 1 chương (Chương IV. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm), 11 điều mới, 44 điều sửa đổi, bổ sung; bỏ 2 điều. Các điều được sửa đổi liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với đối tượng và chế độ ưu đãi đối với thân nhân và người có liên quan của một số nhóm đối tượng.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Pháp lệnh này có ý nghĩa tôn vinh, khen thưởng ưu đãi người có công với cách mạng, đây là việc làm có ý nghĩa. Có nhiều văn bản đã ban hành về chính sách xã hội với người có công xuất phát từ thực tế rất nhân văn nhưng lại chưa tính toán đến những trường hợp cụ thể. Việc triển khai thực hiện, khảo sát chưa sát với thực tế từ đó dẫn đến chính sách rất tốt, rất hay nhưng điều kiện thực hiện không có thì nó lại làm giảm tính chất tốt đẹp của chính sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi cho rằng trong Pháp lệnh cũ không quy định, điều chỉnh đối với người có công với cách mạng là người nước ngoài, ai có công với cách mạng thì đều được ghi nhận khen thưởng, không phân biệt giữa người Việt Nam hay người nước ngoài. Nhưng trong Pháp lệnh (sửa đổi) lần này lại chỉ quy định ghi nhận đối với người có công với cách mạng là người Việt Nam.
“Theo tôi không nên phân biệt người có công với cách mạng là người Việt Nam hay người nước ngoài”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến.
Ông Uông Chu Lưu cho rằng, nên có những chính sách, đặc thù riêng với người nước ngoài có công với nước, có như vậy mới nhất quán không bỏ rơi ai, không quên ai. Ai có công với nước đều được ghi nhận khen thưởng, không kể đó là người Việt Nam hay người nước ngoài.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đặt câu hỏi: Trong phần tiếp thu giải trình tới đây, việc ưu đãi người nước ngoài có công với cách mạng Việt Nam có đưa vào trong Pháp lệnh hay không? Trong thực tế còn có đối tượng là người hàng xóm, bạn bè thờ phụng liệt sĩ, vậy có chế độ cho những trường hợp này hay không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất và cho rằng: Về đối tượng, Pháp lệnh cũ không phân biệt người có công với cách mạng là người trong nước và người nước ngoài. Thì tại sao ở Pháp lệnh (sửa đổi) lần này lại chỉ quy định người có công là người Việt Nam? Cần làm cho rõ vấn đề này.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN. |
Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Pháp lệnh ưu đãi người có công là bản chất tốt đẹp của người Việt tri ân những anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Vậy tại sao không nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật ưu đãi người có công?
“Đây cũng là dịp thể hiện sự tri ân của chúng ta với người có công với đất nước. Người có công với cách mạng, không chỉ hiểu là người chiến đấu cho sự bảo vệ Tổ quốc mà người đi làm cách mạng còn là người đi tuyến đầu, những tấm gương điển hình, có công với đất nước thì chúng ta cũng nên tính toán thêm. Những tấm gương dũng cảm và đặc biệt dũng cảm cũng có thể công nhận là liệt sĩ, là thương binh; song cần tính toán việc tôn vinh đó ở cấp độ nào. Về chế độ cũng cần rà soát chặt chẽ để không quên ơn sự mất mát, hy sinh đó”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.
Đề xuất việc chăm sóc, điều dưỡng người có công với nước, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Nên có chương trình, chế độ điều dưỡng chăm sóc người có công với cách mạng hàng năm để tri ân người có công, gia đình cách mạng. Chế độ với thanh niên xung phong và người bị nhiễm chất độc da cam cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh trục lợi chính sách.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến thống nhất với ý kiến của Chính phủ là: Những đối tượng vợ/chồng liệt sĩ khi tái giá mà vẫn nuôi con của liệt sĩ thì được hưởng chế độ chính sách BHYT.
“Điều kiện để được công nhận là liệt sĩ cần phân biệt cho rõ: Liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu đã quy định rõ ràng, còn trong thời bình khi thực thi công vụ, lao động trong trường hợp đặc biệt không may bị tử vong thì xem xét trong quy định cho chặt chẽ nhằm tôn vinh hành động dũng cảm để giáo dục nêu cao tình thần xả thân... qua đó lan tỏa hình ảnh cao đẹp mang tính giáo dục lý tưởng cách mạng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ý kiến: Về trường hợp Mẹ Việt Nam Anh hùng, cần xem lại mức trợ cấp xã hội để các Mẹ sống được từ tiền trợ cấp.
Giải trình làm rõ thêm các ý kiến của Thường vụ Quốc hội phát biểu, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết: Đối với người nước ngoài có công với nước đã được khen thưởng theo Luật thi đua khen thưởng; còn trong Pháp lệnh này chỉ ghi nhận những người có công với nước là người Việt Nam. Nhưng qua những góp ý của Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo Pháp lệnh (sửa đổi) và cơ quan thẩm tra Pháp lệnh sẽ tiếp thu tối đa để hoàn chỉnh Pháp lệnh sao cho hợp lý, tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN. |
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Pháp lệnh có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, có tác động đến tình cảm, tâm lý trách nhiệm của nhân dân với người có công với đất nước. Đây là nội dung quan trọng được Chính phủ quan tâm trong những năm qua, đặc biệt là trong năm nay.
Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ về Pháp lệnh này. Đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động cũng như hiệu quả của Pháp lệnh trong xã hội. Qua lần chỉnh sửa Pháp lệnh này, nhiều nội dung đã được tiếp thu, hoàn thiện như: Nhà ở cho người có công, chính sách quy tập mộ liệt sĩ, chính sách cho thanh niên xung phong... đã được các cấp, các ngành và địa phương triển khai rất bài bản, có tác động sâu sắc, tri ân các gia đình chính sách.
“Về đối tượng, giữ nguyên 12 đối tượng đang được hưởng chế độ chính sách. Những đối tượng nhiễm chất độc da cam, người bị địch bắt tù đày có công với cách mạng thì cần xem xét tính toán xem xét trong Pháp lệnh”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần xem xét chính sách cụ thể với đối tượng là người có công là người nước ngoài và người Việt Nam đang sống ở nước ngoài có công với cách mạng cần được xem xét ghi nhận trong Pháp lệnh; cần có sự thống nhất trong Luật Thi đua khen thưởng.