Ông Quàng Văn Hó làm giàu
Tuổi cao gương sáng 29/08/2018 11:07
Ông là Quàng Văn Hó, người dân tộc Thái, hội viên NCT bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, nổi tiếng bởi mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi năng suất cao.
Ông chia sẻ: Gia đình có 6 khẩu, thì 2 NCT, chỉ có 1 lao động chính, còn lại là các cháu nhỏ. Xuất phát từ suy nghĩ, bản thân là đảng viên, cán bộ hưu trí, lại là NCT, nên không chỉ gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, dạy bảo con cháu mà còn cần thực hiện tốt phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng", đặc biệt phong trào "NCT sản xuất kinh doanh giỏi" do Hội phát động. Ông bảo: Sản xuất kinh doanh giỏi trước hết là làm lợi cho gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Nghĩ là làm. Ông bàn bạc, thống nhất vợ con phát triển kinh tế đúng hướng và bền vững. Muốn vậy, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đưa cây ăn quả thay thế ngô sắn, cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Không dễ dàng khi muốn áp dụng công nghệ thì đất đai manh mún, nhiều mảnh nhỏ lẻ.
Ông Quàng Văn Hó
Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông trao đổi, bàn bạc với bà con xóm giềng đổi đất dồn thửa, tạo thành khuôn viên 7ha liền nhau. Có đất rộng, ông lại tự quy hoạch, nghiên cứu "nuôi con gì, trồng cây gì" phù hợp nhu cầu thị trường hiện tại và cả tương lai. Được cán bộ khuyến nông về hướng dẫn, ông tranh thủ học hỏi, trao đổi và nhờ tư vấn. Đồng thời dành thời gian tham quan một số mô hình làm kinh tế hiệu quả ở nhiều địa phương. Rồi ông cũng chọn cho mình mô hình phù hợp. Mảnh đất 7ha ban đầu còn trồng nhiều loại cây, sau khi cải tạo, chỉ trồng 3 loại cây có giá trị kinh tế cao là ghép nhãn, trồng xoài và cam.
Sau một thời gian kiên trì, miệt mài tích cực lao động, ông ghép mới tất cả 600 cây nhãn trồng từ trước năm 2012, sau 2 năm cho thu quả, sản lượng tăng gấp đôi, chất lượng tốt hơn và được thị trường đón nhận. Những năm gần đây, mỗi năm thu hoạch 15 - 20 tấn quả, bán được 200 - 300 triệu đồng.
Tiếp thu kinh nghiệm trồng cam, xoài từ đất Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), ông Hó lại tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng 2.000 cây cam, 100 cây xoài giống Đài Loan, 100 cây bưởi Vinh. Đến nay, cam và xoài phát triển tốt, đã bói quả và bước đầu thu hoạch 2 tấn cam, 1 tấn xoài, giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg. Ông bà còn nuôi hàng chục con trâu bò, lợn gà và đào ao thả cá. Tổng thu nhập hằng năm đạt 400 - 500 triệu đồng.
Ăn nên làm ra, có của ăn của để, ông Hó đã xây nhà kiên cố, mua xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và xe buýt làm dịch vụ vận tải. Để hỗ trợ sản xuất, giúp tăng năng suất, giảm sức lao động, mới năm ngoái, ông đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng và cùng các hộ lân cận kéo điện lưới quốc gia về nhà, đến vườn và dành một phần tiền thuê lao động thời vụ trong mùa làm cỏ, thu hoạch…
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất là rất khó đối với nông dân, nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song, ông Hó tích cực tuyên truyền vận động bà con làm theo; đồng thời hỗ trợ, cấp giống cho 19 hộ gia đình anh em họ hàng và cư dân thôn bản; vận chuyển trên 10.000 cây giống từ Hưng Yên lên phục vụ. Vì vậy, chỉ trong vòng 3 năm, đã có 80% số hộ trong bản cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Trao đổi với phóng viên, ông Quàng Văn Hó khiêm tốn: Nhiều NCT còn làm giỏi hơn tôi ấy chứ! Vì thế, tôi vẫn phải tiếp tục cố gắng, mở rộng sản xuất kinh doanh, làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, hiệu quả cao và thu nhập nhiều hơn nữa.
Bài và ảnh Trúc Linh