Ông Lượng
Tuổi cao gương sáng 10/07/2018 10:07
Mặt bằng Xưởng mạ kim loại của ông Lượng rộng chừng 1.000 m2 chia làm 3 khu: Sản xuất, kho, văn phòng. Khu sản xuất gồm 3 công đoạn: Trung hòa, xử lí kim loại nặng và kết tủa ngưng tụ. Tất cả đều trong chu trình tuần hoàn khép kín, không có nước thải ra ngoài, cứ 5 ngày mở tháp chóp (silicon) lấy bùn ra sấy khô đóng bao thuê công ty môi trường xử lí. Được biết, dây chuyền sản xuất từ đường ống đến bể mạ và tháp ngưng tụ đều do ông thiết kế, chế tạo.
Ông Nguyễn Duy Lượng sinh năm 1955 quê ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1972 nhập ngũ vào binh chủng pháo binh tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Nước nhà thống nhất ông ra quân, rồi sang học tại nước Cộng hòa dân chủ Đức (7 năm), về nước làm quản đốc phân xưởng mạ thuộc Công ty sơn Hải Phòng.
Năm 2000 về nghỉ hưu, tuy là thương binh nhưng thấy mình còn khỏe, ông quyết định xây dựng xưởng cơ khí. Được chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội ủng hộ, giúp đỡ, ông sử dụng lao động tại chỗ san lấp mặt bằng, vay vốn ngân hàng, lập nên Công ty TNHH Thương mại Cơ khí Hùng Cường. Sau 17 năm phấn đấu, đến nay Công ty Cơ khí Hùng Cường phát triển ổn định, sản phẩm có uy tín, khó tính như thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đến đặt hàng. Mỗi năm Công ty lãi ròng trên dưới 1 tỉ đồng, nộp thuế đầy đủ, lương công nhân 7 - 8 triệu đồng/tháng. Để động viên người lao động, Công ty đóng bảo hiểm 100%, ngoài ra còn thưởng năng suất và có quà lễ tết. Hầu hết lao động đều con cháu trong xã An Đồng, gắn bó mật thiết với Công ty như người trong gia đình.
Ông Nguyễn Tiến Thi cho biết, ông Lượng đang là Bí thư Chi bộ kiêm tổ trưởng cụm dân cư đường 208, là Ủy viên HĐND xã An Đồng nhiều nhiệm kì. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác xã hội chiếm 2/3 thời gian, ai muốn tìm ông đều đến nhà văn hóa cụm dân cư đường 208. Các hoạt động của cụm dân cư như văn nghệ, tập dưỡng sinh, gặp mặt trong các ngày lễ tết, tặng quà cho các gia đình có công với nước, người già cô đơn, trẻ mồ côi... ông đều tham gia đầy đủ. Riêng ông đóng góp mỗi năm trên 100 triệu đồng, ngoài ra còn vận động Nhân dân xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa, tổ chức cho NCT đi du lịch, có người không đi ông đến tận nhà động viên.
Tôi tìm đến nhà văn hóa cụm dân cư đường 208 và được chứng kiến hình ảnh cảm động khi ông Lượng trao giấy chứng nhận “Song thọ” của Hội CCB Thành phố và trao quà cho các cụ, các ông bà, sau đó từng cặp chụp ảnh lưu niệm. Có cụ râu tóc bạc phơ tuổi 97 thanh minh với ông Lượng: “Tiếc là vì trời mưa, cụ bà yếu mệt không tới được”.
Tạm biệt ông, tôi hỏi: Làm việc nhiều như thế có ảnh hưởng đến vết thương không? Ông cười bảo, chính nhờ làm kinh tế và hoạt động từ thiện nên thấy khỏe ra. Ông Nguyễn Duy Lượng là người "hai giỏi", một tấm gương năng động, sáng tạo, linh hoạt, trở thành NCT làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho hàng chục người lao động địa phương, lại rất có trách nhiệm với xã hội, đáng để nhiều người học tập.
Bài và ảnh Lê Duy Sự