Ông Khôi thanh long
Tuổi cao gương sáng 02/08/2018 09:50
Chúng tôi theo chân bà Vũ Thị Thu, 64 tuổi, vợ ông Khôi ra vườn thanh long hơn 8.000m2 của gia đình. Những trụ thanh long sum suê xòe tán rộng, thi nhau vươn ra khoe những trái đỏ au, trĩu trịt. Nhiều nụ hoa tươi sắc trắng hứa hẹn mùa bội thu mĩ mãn. Lấy khăn lau mồ hôi lã chã trên khuôn mặt, nở nụ cười tươi tắn, bà Thu cho biết: Thanh long ruột tím giá bán buôn 18 đến 20 nghìn đồng/kg. Sau mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí, vợ chồng tôi còn bỏ túi gần 100 triệu đồng.
Bà Thu thả đôi quang gánh, rồi thoăn thoắt cắt những trái thanh long cho vào chiếc xe đẩy mang sẵn theo mình. Dưới chân, một lớp rơm khô mới phủ cho bước đi dễ dàng giữa những luống thanh long sau trận mưa lớn đêm hôm trước. Bà Thu bảo, rơm để mục làm phân bón cây luôn, do vậy, đất luôn tơi xốp, màu mỡ. Giống cây này cũng lạ, nếu trái chín chưa kịp cắt, chỉ sau vài ngày, trái sẽ xanh trở lại, rồi chín tiếp. Sau mỗi đợt chín, vỏ mỏng đi, trái già ngọt hơn.
Bà Vũ Thị Thu trong vườn thanh long đang chín rộ
Ngồi nhâm nhi li trà xanh, mời chúng tôi thưởng thức trái thanh long ngọt lịm, ông Khôi chậm rãi ôn lại quãng đời gian khổ trước đây. Ông sinh ra trên quê hương lúa Thái Bình. Học xong lớp 10, nhận lệnh động viên, ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đất nước hoàn toàn giải phóng, do ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin, sức khỏe giảm sút, ông phục viên về quê. Năm 1978, ông cùng bà con Thái Bình lên đây khai hoang, làm kinh tế mới. Lập nghiệp bằng nghề nông với muôn vàn vất vả, gia đình lại đông con, hai con bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, nên cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Song với quyết tâm làm giàu trên quê hương thứ hai, ông không chịu ngồi yên. Từ cấy lúa, chăn nuôi, ông bà tần tảo làm ăn, lấy ngắn nuôi dài, mở rộng dần diện tích trồng trọt. Mỗi năm xuất chuồng vài tấn lợn, vài tấn cá, hàng trăm con gia cầm; cây cối hoa màu mùa nào thức nấy, cũng có đồng ra đồng vào.
Sau gần 40 năm bươn chải, trên đất vườn đồi, ông đã phải 8 lần thay đổi các loại cây trồng cà phê, vải, nhãn, dong riềng, tre điền trúc lấy măng, keo… Tuy nhiên, chẳng cây nào cho giá trị kinh tế cao để có thể làm giàu, ông lại một lần nữa thay đổi. Năm 2007, ông bàn bạc trong gia đình thống nhất và quyết tâm cải tạo vườn tạp, đưa cây thanh long thay thế cây trồng cũ. Cùng với đó, ông trồng rau trên 2.700m2 ruộng khoán đất một vụ lúa do HTX giao kết hợp chăn nuôi. Để cây thanh long cho năng suất cao, ông về tận Hà Tây (cũ) học tập cách trồng, chăm sóc và mua giống có chất lượng. Cây thanh long thu hoạch từ năm thứ tư đến hơn chục năm mới phải trồng lại, mỗi năm 6 - 7 đợt, nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trái vụ. Đến nay, sau khi đã bàn giao cho con cháu cả nghìn mét vuông, vợ chồng ông Khôi vẫn còn gần 1.000 trụ thanh long các độ tuổi từ vài năm đến hơn chục năm.
Nay, đã ở tuổi 70, sức khỏe giảm sút trông thấy, song ông vẫn cùng bà chăm sóc vườn tược, lao động cải thiện thu nhập và hỗ trợ con cháu. Ông bảo, muốn thành công, trước hết sản phẩm phải sạch, có uy tín, loại trừ tình trạng "rau 2 luống, quả 2 cây", trồng riêng phần để gia đình ăn, phần để bán cho đẹp mã, bắt mắt.
Điều ông băn khoăn nhất là cuộc sống bà con nông dân, đã nhọc nhằn lao động còn vất vả tự lo đầu ra. Thanh long hiện là cây phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương nên theo ông, các cấp các ngành cần có giải pháp hỗ trợ giống, vốn, kĩ thuật và bao tiêu sản phẩm, tránh cảnh được mùa rớt giá hoặc năm nay mất mùa thì ồ ạt phá cây khác đi trồng, năm sau được mùa thì bán đổ bán tháo, thậm chí đổ đi, rất lãng phí công sức, tiền của…
Với ý chí và nghị lực, không chùn bước trước khó khăn, quyết tâm bằng mọi cách, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội, ông là tấm gương sáng để lớp trẻ noi theo.
Bài và ảnh Hoàng Phúc