Ông Bình giỏi cả hai vai
Tuổi cao gương sáng 23/09/2022 09:07
Cơ ngơi của gia đình ông Bình nằm dưới các tán cây ổi. Phần đất thấp, ông đào ao thả cá, trên đồi trồng ổi lai lê - một trong những đặc sản nổi tiếng ở nơi đây.
Được biết, học hết THPT, ông Bình ở nhà làm nông nghiệp, tham gia công tác tại địa phương. Sau nhiều năm đảm nhận vai trò Phó trưởng thôn, Chi hội trưởng Nông dân, từ năm 2020 đến nay ông làm Phó ban mặt trận thôn.
Do diện tích đất nông nghiệp manh mún lại chỉ sản xuất được một vụ nên trước kia đời sống người dân trong thôn khó khăn. Để phá thế độc canh cây lúa, năm 2013, ông Bình đi đầu trong việc dồn đổi ruộng để trồng cây ăn quả.
Ông Bình giới thiệu mô hình trồng ổi cho thu nhập cao |
Theo lời ông, khoảng 20 năm trước ở xã Sơn Dương có cây ăn quả đặc sản là ổi, nhưng bà con ở đây không biết cách ghép và làm cho ổi có chất lượng. Nhận thấy có thể bảo tồn và phát triển loại ổi ngon “nức tiếng” một thời ở quê hương, ông Bình mạnh bạo đi học hỏi, sưu tầm những cây ổi có giá trị về lai ghép với giống ổi bản địa để cho ra loại ổi ngon.
Năm 2014, ông vay mượn được 50 triệu đồng đầu tư trồng 800 gốc ổi trên diện tích 8.000m2. “Ổi lai lê trồng 7-8 tháng sẽ cho thu hoạch và sau 5-7 năm mới phải trồng lại cây mới. Những năm trước đây, ổi chỉ ra quả 2 đợt chính từ tháng 6 đến tháng 9 và từ tháng 11 đến tháng 12, nên hiệu quả kinh tế không cao”, ông Bình chia sẻ.
Vì vậy, ông Bình đã học hỏi kinh nghiệm của những người trồng ổi trước đó, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tiến hành bấm ngọn, tuốt lá, cung cấp đủ dinh dưỡng để cây phục hồi, nảy chồi, ra lộc đúng dịp giáp Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi năm, vườn ổi của gia đình ông Bình cho thu hoạch từ 50-60 tấn quả, với giá bán buôn từ 8.000-10.000 đồng/kg (chính vụ), từ 12.000-15.000 đồng/kg (trái vụ); sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 150-200 triệu đồng/năm.
Ông Bình cho biết thêm, để quả ổi to, đẹp, khi ổi đậu quả được 15-20 ngày phải dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi ni lon bọc bên ngoài để bảo vệ quả. Do chăm sóc đúng kĩ thuật, vườn ổi gia đình ông Bình luôn sai quả, mẫu mã đẹp, vì vậy, thương lái nhiều nơi tìm đến tận vườn thu mua.
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, ông Bình còn được đánh giá là Phó trưởng Ban công tác mặt trận thôn tận tụy, trách nhiệm với việc chung. 12 năm ông “vác tù và hàng tổng” thì 12 năm liền thôn Vườn Cau đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”. Thu nhập bình quân đạt 67 triệu đồng/người/năm (cao hơn bình quân chung của xã), thôn chỉ còn 3 hộ nghèo. Có được thành tích đáng khích lệ này, từ năm 2010, chi bộ, ban quản lí thôn đưa ra chủ trương vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang trồng ổi, mía và làm vườn đồi.
Để người dân làm theo, ông Bình cùng cấp ủy mạnh dạn làm trước, sau đó "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền. Đến nay, 50 hộ trong thôn đã thực hiện mô hình trồng ổi với tổng diện tích khoảng 14 ha, các hộ còn lại tập trung trồng mía tím, nuôi lợn rừng hàng hóa, nuôi gia cầm, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Kinh tế phát triển, người dân trong thôn đóng góp làm đường giao thông, nhà văn hóa, xây cổng làng.
Nhiệt tình, trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, ông Bình được người dân trong thôn tin tưởng, yêu quý.