Nông dân đổi đời nhờ nuôi cá VietGAP trên lòng hồ Thủy điện Hòa Bình
Tin tức 23/04/2023 16:34
Nhiều hộ dân đã đổi đời nhờ nuôi cá lồng trên hồ Thủy điện Hòa Bình |
Điển hình như xã Hiền Lương có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 12ha, tổng số lồng nuôi gần 400 lồng, gồm các chủng loại cá như: tầm, trắm cỏ, rô phi đơn tính, trê lai, chiên, ngạnh, nheo... đem lại công việc và thu nhập ổn định cho trên 100 lao động.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 96,6 ha, tổng số lồng cá nuôi 1.911 lồng. Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 678,77 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng 565,08 tấn, sản lượng đánh bắt 113,69 tấn. Đến nay, các xã vùng ven hồ Hòa Bình trong huyện duy trì, phát triển mạnh việc nuôi cá lồng, tăng cường công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá.
Để tận dụng lợi thế sẵn có duy trì, mở rộng thêm quy mô để nghề nuôi trồng thủy sản của huyện ngày một phát triển. Người nuôi cá được tạo điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc cá, nguồn gốc thức ăn, cách thức phòng bệnh, phương pháp đầu tư, hạch toán kinh doanh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tạo sự phát triển bền vững cho nghề nuôi cá.
Chính vì vậy, cá hồ Thủy điện Hòa Bình được nuôi trong môi trường rộng lớn, nước trong sạch, nên được người tiêu dùng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận ưa chuộng, mở ra cơ hội lớn để huyện Đà Bắc đầu tư phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên hồ Thủy điện sông Đà một cách lâu dài, bền vững.
Theo đó, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện miền núi Đà Bắc tiếp tục phát triển, được xác định là chương trình nông nghiệp trọng điểm của huyện; tích cực huy động lồng ghép nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ phát triển thủy sản như chương trình nông nghiệp trọng điểm, nông nghiệp cận đô thị... làm tốt công tác dồn đổi ruộng đất…
Phát triển nghề nuôi cá lồng, góp phần nâng cao đời sống người dân. Ảnh: Báo Hòa Bình |
Cạnh đó, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất thủy sản chuyên canh tập trung tại các xã Tiền Phong, Vầy Nưa, Đồng Ruộng, Hiền Lương… sản lượng thủy sản đạt trên 1.000 tấn, hệ thống nuôi trồng thủy sản ở huyện Đà Bắc đã được đầu tư xây dựng để tạo ra các sản phẩm hàng hoá, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư từ sản xuất giống đến sản xuất, tiêu thụ với quy mô hàng hóa lớn theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và các tỉnh lân cận,
Thủy sản đã trở thành hướng đi thoát nghèo, làm giàu chính đáng của nhiều địa phương ở huyện miền núi Đà Bắc. Phát huy thế mạnh này, huyện đã đầu tư hàng tỷ đồng cho phát triển thủy sản; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về giống, hạ tầng, khuyến ngư, chính sách về tín dụng, cho thuê mặt đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật cho người dân.
Đến nay, tập quán nuôi thủy sản của người dân chuyển biến tích cực từ nuôi quảng canh, bán thâm canh sang đầu tư nuôi thâm canh, công nghệ cao. Hiệu quả sử dụng mặt nước được nâng lên, nhiều mô hình nuôi thâm canh cho năng suất, hiệu quả cao đang được nhân rộng... góp phần tích cực trong phong trào xây dựng NTM nâng cao ở huyện miền núi Đà Bắc…
Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: “Huyện đang chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản; thành lập mới HTX để phát triển mạnh các hình thức nuôi công nghệ cao, nuôi thâm canh cá lồng trên sông và hồ chứa gắn với loại hình kinh tế trang trại, khu nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn huyện, kết hợp phát triển có giá trị cao như: Trắm, chép lai, rô phi...
Ngoài ra, mở rộng diện tích nuôi thủy sản giống mới như: chép lai, rô phi lai xa... và giống thủy sản đặc sản, đặc hữu có giá trị kinh tế cao như: Cá bống, chiên, lăng, chép giòn, trắm đen... được nuôi thâm canh theo mô hình công nghệ cao”.