Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 và cả nhiệm kì 2021-2025
Sự kiện 06/01/2024 10:50
Hội nghị đã nghe dự thảo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Các đại biểu ở Trung ương và địa phương, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các chuyên gia phát biểu tham luận, tập trung đánh giá khách quan, sâu sắc, sát thực tiễn, nhất là kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở các lĩnh vực khác nhau; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2024 và những năm tới.
Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh và là điểm sáng của năm 2023. Các địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước…
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và phân tích bối cảnh tình hình năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.
Về quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành, Thủ tướng thống nhất 6 quan điểm trong các báo cáo và ý kiến của các đại biểu. Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng chỉ rõ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lí, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (liên kết vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen…).
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia. Quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu năm 2024 - năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025; 2024 tăng ít nhất 5%.
Các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Phát triển mạnh các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội; phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130 nghìn căn. Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 từ ngày 1/7/2024. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo…
Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lí, giải phóng mặt bằng... Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện quyết liệt Đề án 06 trên địa bàn…