Những nguồn sáng của Huổi Mí
Xã hội 14/07/2023 09:13
Người Mông bỏ mây mù theo Đảng
Lần đầu vào bản Huổi Xuân cách đây 9 năm có lẻ, chúng tôi phải mất cả buổi gồng mình điều khiển xe máy vượt quãng đường 25 km toàn ổ gà, sống trâu luội chuội... Lần thứ hai, rồi lần thứ ba này, chúng tôi được ngồi ô tô ngắm cảnh 40 phút là tới nơi.
Tuy là mùa Hạ, nhưng những vạt chuối trĩu buồng nơi đây vẫn có hơi nước đọng lại thành hạt li ti trên từng khóm lá rồi thản nhiên rơi đều tựa như nhịp thở của chiếc đồng hồ treo giữa hiên nhà ông Thào Seo Sùng, Chi hội trưởng Chi hội NCT bản Huổi Xuân. Sau khi cầm cây khèn ngược hướng theo đỉnh mây mù, ông Sùng tĩnh tâm thổi trọn bài “Người Mèo ơn Đảng”, mới quay lại thủ thỉ với chúng tôi: “Gia đình mình và những hộ người Mông trước kia từng sống ẩn dật trên các dãy núi cao, u mê thuốc phiện và sinh hoạt tà đạo của chủ. Chẳng bù cho bây giờ, nhờ vào chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ; nhờ vào cán bộ, lãnh đạo cơ sở tốt mà người Mông mình giống như có nước uống khi khát, như có cơm ăn lúc đói, như có tiếng khèn trong thời khắc cái bụng mang tâm trạng... thì cái đầu sẽ chăm nghĩ, cái tay chịu khó sản xuất, không phiêu bạt cà kê say rượu, không nghe kẻ xấu xúi giục bậy bạ... ”.
Bí Thư chi bộ, Trưởng bản, Chi hội trưởng Người cao tuổi bản Hổi Xuân múa khèn Mông |
Giữ chức Bí thư Chi bộ bản Huổi Xuân đã 3 nhiệm kì, ông Thào A Của luôn được các đảng viên trong chi bộ tín nhiệm, dân bản tin yêu. Chỉ tay ra phía trục đường từ Nhà văn hóa bản xuống chợ phiên, ông Thào A Của so sánh hình ảnh cuộc sống người Mông hiện tại và trước kia với chúng tôi: “Từ trung tâm bản xuống chợ phiên bây giờ quán xá phục vụ đủ thứ hàng thiết yếu; hầu như chủ hộ gia đình nào cũng sắm loa đài, ti vi thông minh để hẹn nhau tập nhảy dân vũ, múa khèn... khi rảnh đấy. Bà con học theo các đảng viên nuôi lợn, thả cá, trồng ngô nương, canh tác chuối nhiều muốn bán thì có ngay ô tô thương lái đến cân tận nơi, tiện và khỏe lắm nên các ông bố, anh chồng xuống chợ bây giờ chỉ việc sắm sửa, bán mua nông cụ, vải vóc,... là về đỡ đần vợ con việc nhà thôi. Chẳng bù cho những ngày đầu nhập lại bản mỗi bận đi chợ là họ “không say không vui”, gặp nhau thì cứ phải lấy hàng lít rượu “đổ” vào dạ dày làm “thước đo” tình cảm ngất ngây rồi mới chịu giã bạn ra về, tiện đâu nằm ngủ đó để mặc cho vợ ngồi canh ô che nắng cả buổi”.
Tuy phụ cấp trách nhiệm chưa được 3 triệu đồng/tháng, nhưng anh Vừ A Di, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Huổi Xuân vẫn sắm xe máy côn tay trị giá bằng cả hai cặp trâu mộng, để đều đặn mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước từ trung tâm xã Huổi Mí về với dân bản. Còn chuyện làm gương thì Trưởng bản Di lấy chính căn phòng khách lát gạch men bóng loáng của gia đình mình làm lớp “xóa mù” do vợ Trưởng bản dạy vào hai buổi tối cuối tuần cho các ông bố, bà mẹ người Mông không biết chữ, nói được ít tiếng phổ thông từ cuối năm 2021 tới nay. Cái lí lẽ và địa điểm thuyết phục này là một trong những phương thức, điều kiện cần để Trưởng bản Di thực hiện thắng lợi cuộc “khoan thai” sức dân đoàn kết chặn đứng tà đạo Bà Cô Dợ xâm cư, hiến đất mở rộng đường vào điểm trường Tiểu học - Mầm non Hổi Xuân. “Dân bản cứ phải nhìn rõ, phải nghe rõ thì mới tin thực hiện theo. Mình là đảng viên, là cán bộ cơ sở nêu gương vì thế”, Trưởng bản Vừ A Di nói với chúng tôi như vậy.
Có thể là ý nghĩ chủ quan, nhưng ở đây chúng tôi không thấy hệ thống loa truyền thanh gắn trên cột điện nên sớm chiều đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Chi bộ bản Huổi Xuân bằng uy tín, trách nhiệm của mình cứ làm gương chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để dân bản soi vào thực hiện, học theo... chẳng phải hô hào khẩu hiệu, ra rả những văn bản hành chính... kiểu lời nói gió bay. Họ đều giản dị vậy thôi mà hiệu quả thực chất về đời sống, an ninh trật tự, văn hóa tinh thần của dân bản Huổi Xuân đã được xếp vào mức tốt nhất địa bàn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Giàng A Sếnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hổi Mí nhận xét: “Chi bộ bản Huổi Xuân mạnh là do đã bồi dưỡng, kết nạp được đội ngũ cán bộ phụ trách các đoàn thể... thành lực lượng đảng viên nòng cốt như ông Thào Seo Sùng (79 tuổi), Chi hội trưởng NCT bản vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn. Đảng viên Giàng A Thao tuổi 49, Trưởng Ban công tác Mặt trận. Các đảng viên Sùng Thị Día, Thào Văn Ba, Giàng A Phử làm Bí thư chi đoàn, Trưởng hội Phụ nữ, Công an viên đều từ 22 - 30 tuổi. Tuy khoảng cách thế hệ, song trong cuộc họp ra nghị quyết lãnh đạo thường kì nào cũng như khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ hằng ngày thì họ luôn cùng chung những mong muốn tốt lành cho 70 hộ gia đình, với hơn 300 dân bản”.
Chỉ nhìn qua chúng tôi cũng thấy các chân núi, bờ suối nơi đây hôm nay đã đông vui, thanh bình, trù phú hơn trước rất nhiều. Từng vạt rừng hỗn giao, bao thung lũng hoang biệt ngày nào bây giờ được đồng bào Mông hô “biến” thành nương ngô, ruộng lúa nước, đồi chuối tiêu tốt tươi, hồ ao sâu rộng thả nhiều lứa cá tăng đàn bơi lội... theo khuôn mẫu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Chi bộ bản Huổi Xuân kiến tạo. Để rồi những lúc nông nhàn như thế này họ có thể thảnh thơi ngơi tay cuốc, tay rựa sắc bén mà nắn nót từng phím khèn Mông vọng vang trong không gian kể về sự cơ cực của những kiếp người từng sống phiêu bạt, mải miết đuổi chim, tìm thú khắp các đỉnh non cao vời vợi; khèn cảm động vì những chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào; khèn réo rắt gieo hi vọng về cuộc sống ấm no bền vững cho muôn đời sau.