Những Cựu chiến binh chăm việc xã hội, đảm việc nhà ở Đà Nẵng
Tuổi cao gương sáng 22/12/2022 09:24
Ông Lê Văn Ý, sinh năm 1951, thương binh hạng 2/4, trú tại số nhà 367, đường Nguyễn Tri Phương, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông hăng hái tham gia công tác xã hội ở khu dân cư. Ông từng đảm nhận các vị trí: Chi ủy viên, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ nhiều năm liền, ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bà con khối phố tin yêu. Năm 2007, gia đình ông được bình chọn là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu 5 năm liền (2002 - 2007), được UBND thành phố tặng Bằng khen.
Là Bí thư Chi bộ Khu dân cư 17, ông cùng cấp ủy vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; khu phố không có các tệ nạn xã hội; khu dân cư không rác; xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh, các hội, đoàn thể ở khu dân cư liên tục được công nhận là đơn vị xuất sắc. Ông là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền, được Thành ủy tặng Bằng khen giai đoạn 2010 - 2015 và quận, phường tặng nhiều Giấy khen.
Từ năm 2000 đến nay, vợ ông bị bệnh nhũn não, bại liệt, không tự phục vụ được. Các con ông người là sĩ quan Quân đội công tác trên đất bạn Lào, người là công nhân, nhân viên nhưng ở xa và đã có gia đình, thường Chủ Nhật mới về thăm mẹ. Ngày ngày, ông lo toan việc nội trợ, bón cơm cháo, tìm mua các loại thảo dược đun nước cho vợ ngâm chân, sắm xe lăn để đưa vợ đi dạo… Ông tâm sự: “Được chăm sóc vợ là niềm hạnh phúc, cũng may là mình còn sức, còn tỉnh táo để ngồi tâm sự, đọc thơ, đọc truyện cho vợ nghe và ôn lại những kỉ niệm xưa”. Mặc dù bận công tác xã hội, lại chăm vợ ốm lâu ngày, nhưng ông luôn lạc quan và sáng tác nhiều bài thơ được in trong tập “Đẹp mãi một tình yêu” (Tủ sách gia đình).
Ông Lê Văn Ý bón cơm cho vợ |
Còn bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, sinh năm 1953 hiện trú tại H.44/17. K.202 đường Hoàng Văn Thái, Tổ 41 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cũng là một tấm gương sáng tương tự.
Năm 1971, bà Hồng nhập ngũ tại X.41 Cục Kĩ thuật Quân khu 4. Năm 1976, bà về công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó về Phòng Tổ chức chính quyền quận Thanh Khê. Năm 1998 là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, gia đình, trẻ em quận. Năm 2006, bà nghỉ hưu nhưng vẫn say sưa công tác xã hội. Bà từng làm Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ nghèo và trẻ em bất hạnh kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban đại diện Hội NCT quận.
Với cương vị công tác này, bà cùng với Hội Bảo trợ tư vấn và tham mưu giới thiệu về Thành Hội giúp đỡ kinh phí và vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ khám sàng lọc phát hiện ung thư 5 đợt cho 397 phụ nữ với kinh phí 338 triệu đồng. Tặng quà dịp Tết cổ truyền cho 112 lượt phụ nữ nghèo với số tiền 45 triệu đồng, Từ năm 2002 - 2014, Hội vận động các nhà tài trợ, tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh tim bẩm sinh 6 lần cho 5.600 lượt trẻ em với số tiền 145 triệu đồng; tham mưu cho Thành Hội hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim cho 131 em với kinh phí 4,289 tỉ đồng. Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu hằng năm, Hội vận động tài trợ 824 lượt em với 273 triệu đồng…
Năm 2011, khi đi xác minh hoàn cảnh bệnh tim cho trẻ em nghèo, bà bị tai nạn, các con khuyên bà nghỉ. Vậy mà, khi chân hết đau bà lại tiếp tục công việc, bà nói đi làm để thấy mình còn có ích, còn cống hiến được cho xã hội, vì mình là đảng viên, người CCB. Bà tâm sự: “Mỗi lần mang nụ cười đến cho những phụ nữ, trẻ em nghèo bất hạnh là một lần hạnh phúc của người làm công tác xã hội”. Nhiều năm liền bà được UBND quận tặng Giấy khen, Ủy ban MTTQ thành phố tặng Bằng khen. Năm 2010, bà vinh dự là đại biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước TP Đà Nẵng lần thứ III (giai đoạn 2005-2010), được UBND thành phố tặng Bằng khen, Hội NCT Việt Nam tặng Bằng khen và Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT”, đến năm 2012 bà nghỉ công tác Hội.
Chồng bà là ông Trần Xuân Nhật (1949) cũng là CCB. Năm 1994, ông Nhật bị tai biến, được nhiều bệnh viện tận tình cứu chữa, lại có bàn tay chăm sóc của bà và gia đình nên ông vượt qua cơn nguy kịch, song vẫn để lại di chứng. Thời gian đầu, có nhiều đêm bà gần như ngồi thức để ông tựa vào lưng cho đỡ đau. Được các bác sĩ, điều dưỡng viên hướng dẫn, bà thành thạo giúp ông tập phục hồi chức năng lúc ở nhà. Ngoài việc chăm sóc bữa ăn, thuốc men chu đáo cho ông, bà còn sắm các cây cảnh, giò lan, các lồng chim, sáo…, khéo léo sắp xếp, trang trí cảnh quan trong nhà để tăng thêm niềm lạc quan cho ông. Suốt 28 năm vừa săn sóc chồng, vừa chăm mẹ già bị bệnh suy tim nhưng chưa bao giờ bà ngừng đam mê công tác xã hội.
Những tấm gương CCB cao tuổi như ông Lê Văn Ý và bà Nguyễn Thị Thúy Hồng thật bình dị và trong sáng, luôn xứng đáng để chúng ta học tậpn