Nhiễm sán dây bò do ăn thịt bò tái
Sức khỏe 12/07/2024 16:02
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) sẽ lí giải nguyên nhân, đường xâm nhập sán dây bò vào cơ thể và cách hạn chế trong bài viết dưới đây.
Chúng ta thường mắc 2 loại sán dây đó là sán dây lợn và sán dây bò. Nếu bị nhiễm sán dây bò, thỉnh thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc theo phân ra ngoài. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá…
Cấu tạo sán dây bò
Sán dây bò trưởng thành có thân dẹp, màu trắng đục, dài khoảng 4-12 m, có 1.000 - 2.000 đốt, gồm 3 phần: đầu, cổ, thân.
- Đầu sán: Hình trái lê đường kính 1-2 mm, có 4 giác bám, không có thùy và móc.
- Cổ sán: Dài 5 mm là nơi sinh ra các đốt sán non.
- Thân sán: Gồm các đốt non phía cổ có chiều ngang lớn hơn chiều dọc và đốt già có chiều dọc lớn hơn chiều ngang, có tử cung với 15-32 nhánh và chứa 80.000 - 100.000 trứng.
Đốt sán có cả bộ phận sinh dục đực và cái. Những đốt sán già tự động đứt ra khỏi thân sán, theo phân hoặc chủ động bò ra ngoài hậu môn, rồi bò ra quần áo, giường chiếu, chuyển động nhờ những cơ rất khỏe. Mỗi ngày thân sán có thể mọc dài ra từ 3-28 đốt. Sán dây bò có thể sống trong cơ thể người từ 20 - 50 năm.
Trứng sán có hình cầu, vỏ dày, đường kính 30-40 µm, bên trong chứa phôi có 4 giác bám.
Nhiễm sán dây bò do ăn thịt bò tái |
Đường đi của sán dây bò
Các đốt sán già chui ra khỏi hậu môn người, rơi vào ngoại cảnh, vỡ ra giải phóng hàng trăm ngàn trứng sán. Trâu, bò ăn phải trứng sán vào ruột nở ra ấu trùng và xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò. Nang ấu trùng sán bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.
Khi người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Thường thì chỉ có một con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần 3 tháng để trưởng thành và sản xuất đốt sán.
Dấu hiệu mắc sán dây bò
Thông thường bệnh diễn tiến nhẹ, không có triệu chứng điển hình, một số dấu hiệu hay gặp như:
Buồn nôn; Nhức đầu; Tiêu chảy từng đợt; Sụt cân; Hay bị đau bụng; Có dấu hiệu thiếu máu; Trẻ em bị co giật.
Chẩn đoán, điều trị và biện pháp đề phòng:
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân… bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm phân, máu. Để điều trị sán dây trưởng thành, dùng Praziquantel 15-20mg/kg cân nặng liều duy nhất hoặc Niclosamide liều 2g cho người lớn liều duy nhất hoặc có thể lặp lại liều trong vòng 7 ngày. Cần thận trọng với phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi; người bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, gan, thận hoặc bệnh tâm thần,...
Bệnh sán dây bò là một bệnh rất dễ mắc phải, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do thói quen ăn uống, nhất là ăn gỏi bò, bò tái, nước lẩu bò chưa sôi… Để tránh mắc bệnh này, chúng ta hãy thực hiện:
- Ăn chín, uống sôi.
- Không ăn thịt bò, thịt trâu sống hoặc tái.
- Thực hiện tẩy giun sán định kì.
- Không phóng uế bừa bãi, sử dụng hố xí tự hoại, không tưới rau bằng phân người chưa xử lí.
- Xử lí phân động vật và phân người đúng cách.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn.
- Không để thức ăn sống cùng thức ăn khác.