Nguyện suốt đời học làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ
Sự kiện 30/04/2023 09:00
Đối với thế hệ đảng viên trưởng thành trong bom đạn chiến tranh, hầu hết đều suy nghĩ và nhận thức về đạo đức cách mạng là sẵn sàng vượt lên mọi gian lao, khốc liệt, kể cả hi sinh tính mạng để chống giặc, cứu nước, cứu dân. Chúng tôi hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của đạo đức cách mạng đối với người cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định hàng đầu để chiến thắng quân thù. Bởi để chiến thắng được giặc thì không thể chỉ có cần quân đội, cần vũ khí, xe tăng, đại bác, máy bay... mà cái cần trước hết, trên hết, quyết định hết là lòng dân đối với Đảng. Mà người dân hiểu Đảng, tin Đảng, theo Đảng để toàn dân đánh giặc, toàn dân trường kì kháng chiến, không phải ở chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh mà ở đạo đức của những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đang cùng dân ngày đêm sống chết với quân thù. Do đó, nên tất cả lớp cán bộ, đảng viên thời bấy giờ, nhất là khi hoạt động sâu trong vùng địch kiểm soát nếu không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo lời Bác Hồ dạy thì không thể sống được một ngày, thậm chí một giờ, bởi mất lòng dân là mất đi sự đùm bọc, chở che, bảo vệ, nên không thể nào thoát khỏi bàn tay đẫm máu của giặc. Tôi đã kể câu chuyện của bản thân để thấy được lòng dân tin yêu Đảng qua đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên nó thiêng liêng đến mức độ nào.
Tôi vào lại chiến trường miền Nam từ cuối năm 1964, rồi 10 năm liên tục không ra Bắc một ngày nào, mặc dù 3 lần bị thương, và nhất là năm 1972, khi B52 của Mỹ đánh vào Hà Nội nơi vợ con tôi sơ tán. Lúc này tôi đang ở trong vùng địch kiểm soát để chỉ đạo Đội Thanh niên xung phong (TNXP) vũ trang Khu 5 phối hợp với lực lượng địa phương chiến đấu tiêu diệt bọn ác ôn và bọn cố vấn Mỹ để Nhân dân vùng lên Tổng nổi dậy, nên khi nghe tin con gái bị B52 của Mỹ sát hạt, thì tôi nóng lòng ao ước được lên ngay căn cứ và ra Bắc viếng con, thăm vợ. Nhưng với đạo đức của một cán bộ, đảng viên không cho phép tôi rời khỏi chiến trường, bởi lúc này đồng đội cần tôi, Nhân dân cần tôi, nếu tôi không còn bên cạnh thì làm sao lòng dân yên được. Và, khi nào chúng tôi muốn tránh khỏi sa vào tay giặc, muốn chiến thắng được quân thù, thì chúng tôi phải làm sao để lòng dân tới được trái tim của Đảng. Mà muốn được như vậy, thì chúng tôi phải sống như thế nào, công tác chiến đấu, thái độ, tác phong đối với đồng chí, đồng đội, đồng bào, đối với cụ già, phụ nữ, trẻ em như thế nào để trong mắt người dân tin mình là cán bộ Cụ Hồ thật, là con em của dân thật.
Tôi đã kể câu chuyện: Để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng Công kích mùa Xuân 1972, tôi được Khu ủy và Quân khu 5 cử vào Mặt trận Bắc Khánh Hòa xây dựng Đội TNXP vũ trang hoạt động sâu giữa thị xã Ninh Hòa. Sau mấy tháng hoạt động thì hầu hết các hầm bí mật trong vườn, ngoài bờ sông đều bị địch phát hiện. Nên tôi được một gia đình đưa đến ẩn nấp trong phòng ngủ của cô nữ sinh. Đến một hôm bọn cảnh sát ngụy đến lùng sục phát hiện ngoài bờ sông gần nhà có hầm mật nhưng không có người. Chúng hăm dọa người nhà rồi định chuyển sang xóm nhà bên cạnh. Nhưng lúc đó, tên Quận trưởng Ninh Hòa hét to trong máy bộ đàm, nói trong nhà có tên Việt Cộng nằm vùng, bằng bất cứ giá nào cũng phải bắt sống cho được. Lúc này anh chủ nhà đang nằm trốn trong máng nước trên mái nhà liền nhảy xuống như tự đầu hàng và thuyết phục bọn ngụy đưa anh ngay đến gặp Quận trưởng để anh khai báo ra nhiều Việt Cộng khác. Bọn lính mừng rỡ sẽ được thưởng to nên vội vàng đưa anh ra khỏi nhà, nhờ đó mà tôi thoát khỏi tay giặc.
Sau này, có nhiều người nói không biết tại sao mà cả ông bà nội và ba má, anh chị của cô nữ sinh lại dám đưa tôi vào trú trong phòng ngủ của cô, không sợ tôi có hành vi xâm hại con, em mình như vậy, thì cả gia đình đều trả lời bình thản là vì rất tin ở đạo đức của cán bộ Cụ Hồ. Và, sau khi tôi thoát ra ngoài được thì không còn chỗ nào ẩn nấp an toàn, nên chú Tám Sức giữa đêm khuya ra nghĩa trang gia tộc thắp hương cầu xin tiên tổ, thần linh cho phép di dời bộ hài cốt trong một ngôi mộ để khoét rộng ra cho tôi vào ẩn nấp giữa vòng vây của địch. Khi làm lễ, chú cầu xin thần linh tha tội cho chú vì làm một điều động chạm đến vong hồn gia tiên, nhưng chú còn khấn nếu có bắt tội thì chỉ bắt tội một mình chú, còn xin phù hộ an toàn cho tôi, vì tôi là cán bộ Cụ Hồ!
Về câu hỏi thứ hai, tất cả chúng tôi đều thống nhất là trong bất cứ thời nào, hoàn cảnh, điều kiện, môi trường xã hội khác nhau như thế nào thì việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức vẫn phải xây trên một cái gốc, như tinh thần lời Bác Hồ dạy: "Vì nước sẵn sàng xả thân, vì dân hết lòng phụng sự", bởi "mất nước thì nhà tan, mất lòng dân là mất tất cả". Và khi đạt đến mục tiêu Tổ quốc hùng cường, xã hội văn minh, Nhân dân hạnh phúc thì bản thân mình hạnh phúc cũng được nhân lên. Về biện pháp thì cốt yếu nhất là tự soi, tự sửa, tự rèn, "Tự phê bình và phê bình như hàng ngày phải rửa mặt". Chúng tôi cho rằng, mặc dù tình hình xã hội hiện nay còn vô vàn tiêu cực, phức tạp, nhưng nếu cán bộ, đảng viên nào thực tâm, thực lòng yêu dân, tin Đảng, quyết tâm học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ; thường xuyên kiên trì ngăn ngừa và hạn chế tối đa lòng ham muốn và chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, thì đều có thể vượt lên mọi sự cám dỗ về vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị chức quyền và cả những cạm bẫy nham hiểm của mọi loại kẻ thù, để luôn giữ ấm trái tim của người cán bộ, đảng viên, trái tim của lớp con cháu Bác Hồ. Từ đó sẽ góp phần đưa ý Đảng quyện chặt vào lòng dân và lòng dân thấm sâu vào trái tim của Đảng.