Nguyễn Quang Thạch: Những bước chân vì một Việt Nam tự lực
Xã hội 01/11/2022 17:48
Người từng đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn để tăng tốc tiến trình đưa sách về nông thôn Việt Nam |
Sách là người bạn đến với anh Thạch một cách tự nhiên nhờ vào sự truyền nối của bố anh, người đã dẫn dắt anh bước vào thế giới diệu kì của những con chữ, vào thế giới hư cấu của các nhà văn, đó là chiếc chìa khóa dẫn đường cho anh đến với thế giới diệu kì của văn chương.
Bố anh là một giáo viên dạy toán miễn phí cho trẻ em nghèo 20 năm bởi ông thấu hiểu vai trò của tri thức và tình yêu dành cho con trẻ. Những đứa trẻ ông nhận dạy là học sinh yếu kém bởi ông cho rằng không đứa trẻ nào kém mà do người cách dạy của người lớn. Ông đã giúp những đứa trẻ em học kém lên trung bình và khá, nhiều em sau này đã học lên đại học. Điều mà cha răn dạy Nguyễn Quang Thạch không phải là sự giàu có hay tiền bạc làm nên phẩm chất của một con người mà đó chính là tri thức và đạo đức được hình thành nên khi sống và làm việc trong bất cứ môi trường nào. Phương châm dạy con của bố anh là: “Có hiếu là lo được cho bản thân và đóng góp vào sự tiến bộ xã hội”.
Xuất thân trong dòng họ có nhiều người yêu tri thức và mến trí thức, có bố là giáo viên dạy toán với tấm lòng lương thiện của một kĩ sư tâm hồn yêu thương con trẻ và uốn nắn học sinh thành người, anh Thạch được bố và nhiều người họ hàng quan tâm, bởi thế anh luôn nỗ lực sửa mình, lấy tri thức và thiện lương làm lẽ sống.
Học đại học xong anh không ngại đi làm công nhân trong nhà máy giày để tìm hiểu về quá trình lớn lên và hành trình tiếp cận sách của họ. Sau đó, anh làm việc ở ngành giao thông, vừa làm việc vừa tiếp tục nghiên cứu bài bản để tạo nên Chương trình Sách Hóa Nông thôn và nay nhờ tác động của chương trình, đưa sách về nông thôn thành phong trào. So với thành thị thì nông thôn thiệt thòi hơn nhiều về việc tiếp cận các đầu sách, các em không có điều kiện tiếp xúc sách vở thường xuyên, chính vì vậy mà tầm hiểu biết hạn chế và có những nhận thức không đúng về xã hội xung quanh mình. Vì vậy, bằng những hiểu biết và kiến thức kinh nghiệm của mình được tích lũy qua nhiều năm kết hợp với sự tự học bền bỉ, Nguyễn Quang Thạch đã xây dựng và nghiên cứu bài bản, ứng dụng các mô hình, truyền thông, vận động chính sách... để hàng triệu đầu sách về nông thôn phục vụ mọi lứa tuổi với nhiều người chung tay nhân rộng các mô hình anh đã nghiên cứu và ứng dụng.
Khi được hỏi điều gì thôi thúc anh hành động phát triển công việc xây dựng chương trình Sách hóa nông thôn, Nguyễn Quang Thạch nhớ lại hình ảnh bà nội chia cơm cho hàng xóm nghèo, phần bánh của mình đã đi vào tâm trí anh từ lúc 3 tuổi, và hình ảnh bố anh - người giáo viên dạy toán cho nhiều học sinh trong xã, cùng với khát khao của cá nhân anh là góp phần làm cho người Việt được tôn trọng. Bởi thế, hành trình phục vụ xã hội mà điều quan trọng phải xuất phát từ trái tim, từ trí tuệ muốn giúp đỡ người khác với tinh thần phát triển tầm vóc con người chứ không phải đào tạo ra một thế hệ thực dụng chỉ biết sống theo cơn lốc xoáy của chủ nghĩa vật chất.
Anh Nguyễn Quang Thạch kiên trì đeo đuổi chương trình Sách hóa Nông thôn |
Thực tế trong xã hội hiện đại như ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế, thì việc một cá nhân nào đó hoạt động vì lợi ích của cộng đồng xã hội thường sẽ bị hiểu nhầm và sẽ cho rằng đằng sau đó ẩn tàng những toan tính, mưu mô, vụ lợi không trong sạch để vun vén lợi ích về tiền bạc và lợi ích về kinh tế cho bản thân. Vật chất rất quan trọng đối với đời sống mỗi người, nhưng những người lợi dụng chiếc áo vật chất với vẻ ngoài hào nhoáng, với hành động từ thiện trá hình bên ngoài để trục lợi thì sớm muộn gì cũng bị phanh phui, làm rõ trắng đen.
Anh Thạch kiên trì ngọn cờ “chia sẻ trách nhiệm xã hội” và tinh thần tự lực của người Việt Nam nên tất cả các loại tủ sách anh thiết kế và ứng dụng thì hàng chục triệu người Việt có thể tự nhân rộng cho dòng họ, lớp học, xứ đạo, gia đình.
Những người có nhân cách, bản lĩnh vững vàng, giàu ý chí nghị lực, kiên định với mục tiêu thì việc hoạt động xã hội là điều gắn liền với cuộc sống của họ như nhu cầu thiết yếu hàng ngày, không thể từ bỏ, tách rời. Hành trình để khằng định những hành động xuất phát từ trái tim của mình của Nguyễn Quang Thạch là một hành trình đầy gian khó và thử thách để thay đổi nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội đang hiểu sai và lệch lạc về chương trình, mô hình anh phát động.
Để tạo ra Sách hóa Nông thôn, trong 23 năm qua, bước chân của anh Nguyễn Quang Thạch đã đến nhiều tỉnh thành, đến những làng bản xa xôi, vùng trung du và đồng bằng để rồi anh nói rằng “Hãy đến với người nghèo bằng đôi chân, trái tim và bộ não biết phân tích”.
Bằng những trải nghiệm thực tế của mình, anh Thạch đã đi bộ hơn 10 triệu bước chân ở nhiều làng quê Việt Nam, đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn, kiên trì đeo đuổi chương trình Sách hóa Nông thôn hơn 20 năm, anh là người ngoại đạo, nhưng trong tâm khảm anh luôn nể phục những những nữ tu Công giáo ở cô nhi viện Vinh Sơn – Kon Tum, ở trung tâm Thiên Ân – Hà Tĩnh, ở trung tâm 19/3 Nghệ An vì họ đã hiến trọn cuộc đời phục vụ những mảnh đời bất hạnh và phụng sự Chúa Jesus.
Ngày 20/2/2015, trên hành trình đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn, anh chia sẻ trên VTV rằng chuyến đi sẽ nâng 3.500 tủ sách lên 300.000 tủ sách. Đến nay hơn 300.000 cuốn sách chưa có mặt ở các lớp học trên mọi làng quê Việt Nam, nhưng tác động của Sách hóa Nông thôn và chuyến đi bộ đã tạo nên nhiều cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương đã nhân rộng khoảng 30.000 tủ sách trên các tỉnh thành Việt Nam cụ thể anh Thạch đã nhân rộng tủ sách sang Ấn Độ vào năm 2019 và 2020.
Bằng những hành động thiết thực của anh Thạch, chúng ta thấy rằng sống đẹp là kiên trì với việc làm nhỏ, có phương pháp và tận tâm để mang lại lợi ích cho nhiều người. Sống đẹp là luôn ý thức vai trò của mình đối với xã hội, biết sửa mình khi phạm những sai lầm, biết nhận lỗi và nỗ lực chữa lỗi bằng nhiều cách khác nhau.
Thời gian cứ trôi đi, tháng năm quay vội vã, giữa dòng người chen chúc xô đẩy nhau trên con đường mưu sinh lập nghiệp, thì hình ảnh của Nguyễn Quang Thạch đã truyền cảm hứng và làm ấm lòng những mảnh đời bất hạnh, côi cút giữa dòng đời. Đặc biệt với những số phận không may mắn gặp phải hoàn cảnh éo le trong xã hội, thì Nguyễn Quang Thạch cùng với dự án tinh thần Sách hóa nông thôn đã chắp cánh cho những ước mơ bay xa, vươn cao đến những chân trời mới.