Người thầy đam mê nghiên cứu lịch sử
Tuổi cao gương sáng 30/11/2022 10:20
TS. Huỳnh Công Bá quê gốc Quảng Nam, ông giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế từ năm 1978. Năm 1996, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Sử học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Luận án của ông đã đưa ra chứng cứ khoa học cho thấy vùng đất phía Nam của châu Hóa, tức huyện Điện Bàn, vào thời Lê sơ kéo dài đến tận sông Ly Ly (Hương An), nơi giáp giới giữa hai huyện Quế Sơn và Thăng Bình bây giờ, chứ không phải đến bờ Bắc sông Chợ Cũi (nhánh hạ lưu sông Thu Bồn) như nhận định của sử gia Đào Duy Anh. Giáo sư Hà Văn Tấn, một trong "tứ trụ sử học Việt Nam đương đại", khi đó đã nói: "Tôi đồng ý cho anh 10 điểm". Sách vàng của Liên hiệp UNESCO Việt Nam xuất bản năm 2019, gọi TS Huỳnh Công Bá là "nhất nhân tam diện" - tức người đã thành công trên cả ba mặt: Nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo dục; và trên bốn lĩnh vực: Lịch sử, văn hóa, tư tưởng, cổ luật.
TS Huỳnh Công Bá. |
TS Huỳnh Công Bá được biết đến với rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị về các lĩnh vực như lịch sử Việt Nam, tiền sử Việt Nam, lịch sử Nhà nước Việt Nam, cổ luật Việt Nam, nghệ thuật quân sự Việt Nam,… được các chuyên gia, giới nghiên cứu đánh giá cao. Ông có nhiều công trình nghiên cứu thuộc cả bốn lĩnh vực này, trong đó điển hình là các công trình đồ sộ: “Lịch sử Việt Nam cổ trung đại”, Lịch sử văn hóa Việt Nam, “Tư tưởng Việt Nam”, bộ 4 tập “Định chế và pháp luật triều Nguyễn”. TS Huỳnh Công Bá có 104 bài báo, 22 sách - giáo trình xuất bản như "Cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam", "Lịch sử Việt Nam cổ trung đại", "Lịch sử Việt Nam", "Xã hội học, tư tưởng Việt Nam". Ông đã thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp bộ, điển hình như: "Định chế giáo dục dưới triều Nguyễn", "Nghiên cứu pháp luật hành chính và quân sự triều Nguyễn (1802-1884)", "Nghiên cứu pháp luật dân sự và tố tụng triều Nguyễn (1802-1884)", "Nghiên cứu pháp luật hình sự dưới triều Nguyễn (1802-1884)".
Người dân ở khu cư xá Nam Giao đã quá quen với hình ảnh TS Huỳnh Công Bá từ mấy chục năm nay vẫn mỗi ngày lầm lũi đi về với chiếc xe đạp cũ. Ông bước ra khỏi nhà là chân đạp xe, đầu suy tư, không để ý gì xung quanh, hôm nào xe hư thì đi bộ. Ông có gia đình với vợ con giỏi giang, thành đạt nhưng họ chuyển vào sống ở TP Hồ Chí Minh hơn chục năm trước. Ông không thể đi cùng họ vì hành trang của ông là kho sách "nặng lắm không mang đi đâu được nữa". Bao nhiêu tiền còn lại ông dành mua sách. Và ông cứ ngồi đó gõ bàn phím say sưa từ lúc 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm.
Đầu năm 2017, TS Huỳnh Công Bá nghỉ hưu sau 38 năm làm giảng viên Khoa Lịch sử. Nhà trường đề nghị ông viết đơn xin làm giảng viên thêm 5 năm theo quy định đối với người có học vị tiến sĩ nhưng ông lắc đầu nói: "Nếu thấy tôi còn cần cho sinh viên, các anh phải làm văn bản mời tôi ở lại, chứ sao tôi lại phải viết đơn xin".
Năm 2021, ông phát hiện bị bệnh hiểm nghèo. Mặc dù bệnh tình rất nặng nhưng ông cộng tác viết bài trong loạt bài "550 danh xưng Quảng Nam". Ông nói, đây cũng là bài báo tâm đắc của mình. Gần 44 năm giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, ông được nhận Bằng và Huy chương Lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng năm 2007, cùng nhiều giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ, được Tổ chức The Online Computer Library Center (OCLC) công nhận là Chuyên gia quốc tế thực thụ (VIA), với 7 tác phẩm được OCLC bình chọn về lịch sử, văn hóa, tư tưởng và cổ luật Việt Nam hiện lưu hành tại 135 thư viện lớn trên thế giới.