Người sáng lập ra phiên chợ Biển Đông
Tuổi cao gương sáng 13/07/2018 13:00
Ông Trần Vẹn đã bước qua tuổi 75, không còn đi khơi nữa, nhưng là người sáng lập ra phiên chợ Biển Đông. Mỗi con tàu 850 mã lực thuộc đội tàu của gia đình ông, có thể chở tối đa 30 - 40 tấn hàng, tương đương 3.000 - 4.000 tấn dầu, 1.000 cây đá, 20 tấn lương thực, thực phẩm bảo đảm cho chuyến biển dài 2 tháng. Không chỉ đóng vai trò hậu cần, cung cấp nguyên liệu cho các bạn thuyền đang khai thác hải sản, đội tàu của gia tộc ông Trần Vẹn còn thực hiện thu mua khoảng 60 - 70 tấn hải sản của 15 - 20 tàu đánh bắt ngay giữa biển khơi Trường Sa, Hoàng Sa.
Hành trình trên 150 hải lí kéo dài gần 2 ngày, đưa đoàn tàu hậu cần của gia tộc ông Trần Vẹn đến vùng biển Hoàng Khê, nghĩa là dòng suối vàng do ông Trần Vẹn tự đặt, hiện đây là trung tâm vùng ngư trường của các tàu đánh bắt xa bờ. Là ngư trường chung nên vùng biển này luôn rộn ràng hoạt động tàu đánh bắt hải sản của các tỉnh miền Trung. Một con tàu của ngư dân Bình Định vừa trúng đậm mẻ cá nục sau hai giờ giăng lưới, khoảng 3 tấn. Lộc biển gần 35 triệu đồng theo giá trị giao dịch của mẻ lưới. Trước đây với mẻ lưới như vậy, thay vì tiếp tục bám biển, con tàu phải chạy vội vào bờ, vừa bán vừa lo lượng cá lớn bị hư thối, ép giá. Nay tiết kiệm dầu chạy vào, cá bán liền, trao tay ngay cho tàu dịch vụ, hậu cần của gia tộc ông Trần Vẹn và tiếp tục đón đuổi cá đang vào vụ là lợi ích thấy được ngay trước mắt.
Ông Trần Vẹn
Gắn cả cuộc đời với nghiệp biển, ông Trần Vẹn đắn đo khi nhận thấy hải phận nước mình lớn, ngư trường giàu tài nguyên, nhưng chỉ hoạt động tầm 70 hải lí đổ lại, thì sao có thể khẳng định vị thế ngư dân Việt Nam. Được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, ông lên kế hoạch đóng 3 con tàu hậu cần 800 mã lực vươn khơi xa. Thành công trong việc đóng tàu vươn khơi, ông Trần Vẹn không giấu được niềm vui thổ lộ: “Phải sau gần 30 năm trời phiêu bạt cùng con sóng, ngọn gió và đến cuối năm 2001, tui mới đóng được chiếc tàu công suất 800 mã lực để ra khơi xa làm dịch vụ hậu thu mua hải sản. Nhiều tàu cá khác của bà con trong thôn yên tâm bám biển hơn. Vì họ đánh bắt chừng nào thì bán ngay cho tôi trên biển chừng đó. Vừa thuận lợi mà mức giá bán hải sản so với ở cảng cá cũng không chênh lệch là bao...”.
Giữa mênh mông trời biển, khó có thể định vị Hoàng Khê trên bản đồ, nhưng với cha con ông Trần Vẹn, qua những chủ tàu đánh bắt xa bờ, đây là vùng biển giao thoa giữa các dòng hải lưu nên lượng hải sản rất phong phú. Không chỉ đóng vai trò dịch vụ, hậu cần, những người con của ông Trần Vẹn còn luôn chia sẻ ngư trường của mình với các chủ tàu khác để những người đi biển cùng làm giàu với mình. Trên khoang thuyền trưởng của tàu 800 mã lực, Trần Kim, 25 tuổi, con trai út của ông Trần Vẹn chỉ huy tàu chạy tìm nguồn cá. Mỗi khi phát hiện đàn cá qua máy dò, máy quét, Kim liền báo hiệu cho các tàu đánh cá Việt Nam ở vị trí, tọa độ gần để phối hợp đánh bắt. Đây là nét mới trong phát triển dịch vụ tàu hậu cần của người thuyền trưởng trẻ thừa hưởng của người cha.
Con số thống kê của Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho thấy, mỗi năm khoảng 32% sản lượng đánh bắt của ngư dân Việt Nam, tương đương khoảng 500.000 tấn bị hư hỏng do bảo quản dài ngày không tiêu thụ kịp thời. Nghị định 67 của Chính phủ xác định, tàu dịch vụ hậu cần đóng vai trò quan trọng trong chiến lược khai thác hải sản các vùng biển xa. Từ một phiên chợ nhỏ trên biển Đông theo cách làm sáng tạo, bền bỉ của gia tộc ông Trần Vẹn, đến nay ngành dịch vụ hậu cần nghề cá đã có thêm những bước tiến lớn từ chính sách ưu đãi về vốn của Nhà nước, được đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế biển của đất nước.
Đến nay, cả nước có trên 1.200 tàu có công suất lớn tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá. Đặc biệt, số tàu vươn tới đến các vùng biển xa của Tổ quốc như Trường Sa, Hoàng Sa tăng hàng nghìn lượt theo mỗi năm, tác động tích cực đến hoạt động khai thác kinh tế biển ở các địa phương.
Bài và ảnh Kim Hoa