Người phụ nữ có trái tim nhân hậu
Tuổi cao gương sáng 08/03/2018 14:31
Một ngày đầu Xuân chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt, đóng trên địa bàn xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, do bà Nguyễn Thị Nguyệt, 67 tuổi làm Giám đốc. Trò chuyện với bà, chúng tôi mới hiểu và cảm nhận sâu sắc về người phụ nữ có trái tim nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những số phận thiệt thòi, những mảnh đời khó khăn.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Đó là tâm niệm của bà Nguyệt như câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe ngày một suy yếu, nhưng người phụ nữ với dáng người thấp nhỏ, nhanh nhẹn này, lúc nào cũng nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Bà Nguyệt chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều bất hạnh. Bố tôi mất sớm do bệnh nặng; và dù nhà nghèo, quanh năm đói ăn, song việc giúp người đến với tôi cũng là duyên số".
Năm 21 tuổi, trong một lần đi rừng, bà Nguyệt phát hiện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong tình trạng thương tích đầy mình. Động lòng trắc ẩn, bà đưa đứa bé vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chữa trị và sau đó giữ lại nuôi như con ruột của mình. 2 năm sau, trước cửa nhà bà có một đứa trẻ bị bỏ rơi. Lúc này, dù tuổi đời còn trẻ, cuộc sống cũng chẳng dư giả gì, nhưng bà Nguyệt vẫn quyết tâm nuôi nấng 2 đứa trẻ thành người. Tiếng lành đồn xa, 2 năm tiếp sau, bà lại nhận được thêm 2 đứa trẻ do chính bố mẹ chúng mang đến nhờ nuôi.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt trao đổi với phóng viên
Đến nay, 4 người con do bà Nguyệt nhận nuôi đều đã trưởng thành và lập gia đình, 3 người là đảng viên. Cả 4 người đều đã biết được thân phận của mình, có người thì đã nhận lại được gia đình và người thân. Nhưng với họ, bà Nguyệt luôn là người mẹ bồ tát - người đã có công chăm sóc, nuôi dưỡng họ.
Mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh
Ngày mà các con nuôi thành đạt cũng là lúc bà Nguyệt quyết định thực hiện ý tưởng đã ấp ủ bấy lâu. Đó là lấy số tiền mấy chục năm dành dụm được đem ra xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội mang tên Hường - Hà - Nguyệt (Hường, Hà là tên hai người con gái nuôi đầu tiên của bà), với mong muốn Trung tâm sẽ là nơi nuôi dưỡng, giúp đỡ được nhiều hơn những người già không nơi nương tựa, những trẻ nhỏ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh.
Là một trong những người được nhận vào sống tại Trung tâm, cụ Trần Kim Chi, năm nay 80 tuổi đã coi Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hường Hà Nguyệt như ngôi nhà thứ 2 của mình. Khi nói về bà Nguyễn Thị Nguyệt, cụ Chi chia sẻ: "Bà Nguyệt thấy hoàn cảnh khó khăn của tôi, không có con cái chăm sóc lúc về già nên đã nhận tôi về Trung tâm. Ở đây, tôi được chăm lo cho rất chu đáo, từ cái ăn, cái mặc, rồi đến cả đời sống tinh thần. Bà Nguyệt luôn chăm lo cho mọi người ở đây và luôn nghĩ cho người khác nhiều hơn cho mình”.
Hiện nay, để bảo đảm hoạt động của Trung tâm, bà Nguyệt phải đầu tư vào mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp, để có kinh phí lo cho đời sống các đối tượng, mỗi tháng trên 60 triệu đồng. Bởi trong số 37 người được nuôi dưỡng tại Trung tâm, có 22 người chưa được hưởng bất cứ một khoản trợ cấp nào; chính vì vậy Trung tâm gặp nhiều khó khăn về nhân lực và kinh phí hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyệt tâm sự: "Hi vọng khi tôi qua đời, Trung tâm giao lại cho Nhà nước quản lí, sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, trở thành mái nhà chung của những NCT cô đơn, không nơi nương tựa, người khuyết tật, trẻ mồ côi; giúp đỡ được nhiều hơn nữa những mảnh bất hạnh. Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là các cấp chính quyền, đặc biệt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện, giúp đỡ hoàn thành chế độ trợ cấp cho 22 người hiện chưa được trợ cấp".
Bài và ảnh Cẩm Vân