Người anh hùng trong “ngôi nhà” Báo Người cao tuổi
Tuổi cao gương sáng 09/02/2018 14:37
Chuyện của những người anh hùng…
Một sáng cuối năm 2017, tôi đến thăm anh hùng Đặng Thọ Truật, ở 55/1, phố Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Ông kể về hành trình ông đi tìm nguyên mẫu người lính trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của thơ Lê Anh Xuân. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Sáu, quê huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, hi sinh Tết Mậu Thân năm 1968, trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Truật tự hào là người đã chắp mối lịch sử, góp phần để Tổ quốc truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Văn Sáu vào năm 2013.
Còn chuyện ông là xạ thủ số 1 cùng đồng đội bắn rơi 34 máy bay của địch ở chiến trường Bình Trị Thiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thời điểm ấy đã được đơn vị đề nghị tuyên dương anh hùng, nhưng phải đến năm 2015 (45 năm sau) Đại tá, nhà báo Đặng Thọ Truật, mới được Nhà nước phong tặng là câu chuyện dài.
Từ quê hương anh hùng vào chiến trường ác liệt
Ông Truật kể: “Vừa qua tuổi học trò, mùa Hè năm 1968, khi phượng đỏ sân trường cấp 3 Nghi Lộc 1, tỉnh Nghệ An, cũng là lúc tôi tạm biệt gia đình, bạn bè và quê hương lên đường nhập ngũ ngày 28/6/1968. Tôi là con trai thứ 3, cha mẹ tiễn lên đường ra chiến trường. Ròng rã một tháng trời hành quân, chúng tôi đã xuống Nam Lào. Tại đây trận đánh đầu tiên của tôi và đồng đội đã diễn ra. Đó là trận đánh khó quên trong đời lính của tôi, đối mặt với sự tàn khốc của chiến tranh. Trận mở màn này, ở vị trí xạ thủ số 1, tôi cùng đồng đội bắn rơi 1 máy bay địch.
Từ Nam Lào đơn vị tôi lại hành quân quay lại chiến trường Thừa Thiên Huế tham gia trận đánh ở đồi Abi (báo chí Mỹ gọi nơi đây là “đồi thịt băm”). Trong trận đánh này, khẩu đội của tôi bắn rơi 2 chiếc máy địch. Kết thúc chiến dịch, sau 23 ngày đêm chiến đấu, tôi được thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba và được suy tôn là Dũng sĩ diệt máy bay”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại tá, nhà báo, anh hùng Đặng Thọ Truật
Nhớ về trận thắng hào hùng trên dãy Cô Pung
Ông Truật kể tiếp: “Trong các trận chiến đấu, tôi nhớ nhất là trận Cô Pung, đây là một dãy núi cao ở A Sầu - A Lưới (Thừa Thiên Huế). Điểm mai phục của khẩu đội tôi nằm lưng chừng, phía dưới đỉnh Cô Pung, đối diện với điểm cao 1078.
Trong 4 ngày liền (25 - 29/7/1970), địch dùng 27 lượt chiếc B52 rải thảm nhiều đợt theo dọc dãy núi Cô Pung đến điểm cao 1078. Ngày 29/7/1970, địch tiếp tục pháo kích dồn dập, dọn bãi và kiểm tra, trinh sát để sẵn sàng đổ quân.
Khẩu đội chúng tôi không nổ súng để giữ bí mật và cử người về báo cáo với đại đội chi viện và tiếp tế thêm đạn 12 li 7 và 7 li 62. Khoảng 11 giờ, từng tốp 10 chiếc trực thăng UH 1 từ sân bay Phú Bài (TP Huế) bay lên Cô Pung, lần lượt đổ bộ xuống điểm 1078. Lúc ấy, chúng tôi quyết định chờ cho địch đổ bộ được 4 chiếc rồi mới bắn. Sau khi cân nhắc thời cơ, tôi nổ súng. Ngay loạt đầu, 3 viên đạn 12 li 7 bắn trúng một chiếc UH1 rơi tại chỗ. Liên tiếp mỗi chiếc đổ bộ sau đó, tôi lại bắn điểm xạ ba viên. Trong 10 phút đầu, 5 chiếc máy bay rơi tại chỗ. Địch lồng lộn gọi quân tiếp viện. Chúng điều máy bay phản lực, trực thăng vũ trang bắn vung vãi lên dải Cô Pung. Liên tiếp sau đó, địch tiếp tục đổ quân, nhiều máy bay của địch lại bị bắn hạ. Bắn tới chiếc thứ 31 thì súng 12 li 7 bị gãy díp tiếp đạn, không chữa được. Địch vẫn tiếp tục đổ quân xuống tổng cộng 50 chiếc UH1, quân số khoảng một tiểu đoàn. Tôi và đồng đội cử hai người đi báo cáo với chỉ huy Trung đoàn bộ binh 1 và tổ chức mai phục, chờ địch để đánh.
Khoảng 12 giờ, địch chia thành ba hướng tấn công vào trận địa. Khẩu đội của tôi bình tĩnh, kiên quyết đánh trả, đánh lùi năm đợt tấn công của địch. Địch ngừng tiến công gọi thêm quân yểm trợ… Sau đó vì đạn trung liên, tiểu liên và lựu đạn hết, khẩu đội quyết định rút lui. Kết thúc trận đánh, khẩu đội cao xạ pháo 12 li 7 của tôi với 125 viên đạn sau 30 phút đã bắn rơi 24 máy bay. Đây là kỉ lục trên chiến trường toàn miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ.
Chiến thắng đó đã góp phần vào việc đập tan chiến thuật trực thăng vận của Mỹ- ngụy, xứng đáng được đưa vào những trận đánh hay, kinh điển. Với thành tích là xạ thủ số 1, trực tiếp bắn rơi máy bay, tôi được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì. Toàn tiểu đội 1 ai cũng được tặng Dũng sĩ diệt máy bay. Đại đội 3 và Tiểu đoàn 54 được tặng Huân chương Quân công Giải phóng. Đại đội 3, Tiểu đoàn 54 và tôi được đề nghị tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1970 và 2 năm sau (năm 1972), Đại đội 3 được tuyên dương Anh hùng; năm 1973, Tiểu đoàn 54 được tuyên dương Anh hùng và 45 năm sau (năm 2015), tôi đã phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Sau trận đánh Cô Pung năm 1970, năm 1971, tôi còn tham gia Chiến dịch đường 9 Nam Lào, cùng đồng đội bắn rơi 6 máy bay, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Năm 1972, tôi chiến đấu ở mặt trận Tây Nam Huế, điểm cao 551, đến sau Hiệp định Pa-ri được cử đi học tại Học viện Chính trị. Đất nước thống nhất nhưng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc chưa yên, tôi lại cùng Đoàn pháo binh D74 tham gia bảo vệ biên giới.
Sau năm 1979, tôi mới rời tay súng, trở thành cán bộ tuyên huấn và là thông tin viên của báo Quân đội Nhân dân, sau đó được điều về Báo Quân đoàn 3, rồi được cử đi học đại học báo chí. Đỗ thủ khoa, ở tuổi 35, tôi là người duy nhất của khóa học được Bộ Quốc phòng điều động về Báo Quân đội Nhân dân, sau đó tôi chuyển vào làm việc tại Văn phòng TP Hồ Chí Minh của báo”.
Người anh hùng cầm bút
Nghe danh nhà báo, anh hùng Đặng Thọ Truật đã lâu, khi ông trở thành phóng viên của Báo Người cao tuổi, cũng là nhân duyên tôi có dịp trò chuyện với ông. Tôi nhắc tới những “bài viết có có lửa” của ông như: "Được về hưu và phải phục viên”, "Học thêm thành nhọc thêm”, "Trăm sự nhờ thầy”, “Chất lượng đảng viên nhập ngũ ở đồng bằng sông Cửu Long, một vấn đề đáng quan tâm”, đặc biệt là bài “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và công tác xây dựng Đảng” được tặng giải B Giải Báo chí quốc gia. Ông bảo đó là trách nhiệm của nhà báo chiến sĩ. Tôi nói với ông rằng, hơn 45 năm trước, khi cầm súng, ông là người anh hùng trận mạc, còn chặng đường 45 năm qua bao biến động, tới ngày được vinh danh anh hùng, là 45 năm sống giữa đời thường, ông vẫn giữ được phẩm chất của người anh hùng, người chiến sĩ cầm bút.
Gia nhập ngôi nhà của Báo Người cao tuổi, anh hùng Đặng Thọ Truật tự hào, bởi đây là tờ báo có thương hiệu trong làng báo Việt Nam. Làm nên thương hiệu ấy là tập thể lãnh đạo và phóng viên của báo, những con người “bút sắc lòng trong”.
Mùa Xuân này ngôi nhà của Báo Người cao tuổi, không chỉ có những “Anh hùng” trong lòng bạn đọc, mà thêm thành viên mới, Đại tá Đặng Thọ Truật - người anh hùng cầm súng và cầm bút
Nghiêm Thị Hằng