Ngành ngân hàng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19
Thông tin doanh nghiệp 09/08/2021 16:32
Hỗ trợ kịp thời cho “tâm dịch” phía Nam
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt trang thiết bị y tế, một số ngân hàng vừa triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là người cao tuổi có nhiều bệnh nền.
Đầu tháng 8/2021, Techcombank triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá 50 tỉ đồng, bao gồm: 200 giường hồi sức cấp cứu; 70 máy thở, 150 máy truyền dịch và 106 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, cùng nhiều thiết bị y tế khác. Các trang thiết bị này sẽ được trao cho Bệnh viện Cần Thơ để gia tăng nguồn lực cho ngành y tế Tây Nam bộ ứng phó với dịch bệnh. Đây là gói hỗ trợ mới nhất trong chương trình ủng hộ phòng, chống Covid-19 và an sinh xã hội, tổng trị giá hơn 153 tỉ đồng, mà Techcombank thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2021.
Cuối tháng 7/2021, VPBank chi gần 150 tỉ đồng mua 715 máy thở và 500 hệ thống làm ẩm thở oxy dòng cao, model VUN-001 bàn giao cho Bộ Y tế nhằm phục vụ phòng chống Covid-19, hỗ trợ khẩn cấp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. VPBank cũng phối hợp với Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đưa 4 container xét nghiệm Covid-19 vào “tâm dịch” phía Nam. Mỗi container có thể xét nghiệm 3.600 mẫu đơn, 36.000 mẫu gộp mỗi ngày, được trang bị hệ thống áp lực âm; tủ an toàn sinh học; bộ lọc HEPA; hệ thống xử lí nước thải; cấp điện lưu động; bàn ghế thí nghiệm; giá đỡ chống rung; lò hấp tiệt trùng; tủ lạnh y tế và hệ thống chuyển mẫu khép kín.
Ngành Ngân hàng ủng hộ Quỹ vắc xin Covid-19 |
Trong khuôn khổ chuyến làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại TP Hồ Chí Minh ngày 30/7/2021, Sacombank tiếp tục dành 50 tỉ đồng cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, Sacombank còn ủng hộ 15.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 trị giá hơn 2 tỉ đồng cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh; trao tặng 132.000 khẩu trang y tế N95 trị giá gần 1,3 tỉ đồng cho một số cơ quan, bệnh viện, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam trên địa bàn TP Hồ Chí Minh...
Những gói hỗ trợ các trang thiết bị y tế thiết yếu được các ngân hàng tài trợ là thiết thực và cần thiết cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Qua đó, góp phần gia tăng nguồn lực, hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế các địa phương khu vực phía Nam trong công tác ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là trong điều trị bệnh nhân người cao tuổi nặng mắc Covid-19.
Chung tay đẩy lùi dịch đại dịch
Với những hỗ trợ kịp thời về trang thiết bị y tế cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đại diện của VPBank chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các địa phương, cùng sự chung tay của người dân và doanh nghiệp cả nước, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ có thêm nguồn lực hữu hiệu, nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để ổn định phát triển kinh tế - xã hội”.
Còn Phó Tổng Giám đốc Techcombank, ông Phạm Quang Thắng nói: “Đóng góp của chúng tôi chỉ là một trong hàng triệu tấm lòng của doanh nghiệp và đồng bào cả nước đang hướng về miền Nam, để đồng hành, hỗ trợ các y bác sĩ, người dân tuyến đầu chống dịch”.
Được biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, VPBank, Techcombank, Sacombank.... cũng rất tích cực ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ tính riêng VPBank, tổng số tiền mặt và trị giá hiện vật đóng góp đã lên tới 250 tỉ đồng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ năm 2020 tới nay, cán bộ, công nhân, viên chức ngành Ngân hàng dành trên 1.550 tỉ đồng hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19, mua máy y tế, sinh phẩm chuẩn đoán… Toàn ngành còn ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 khoảng 750 tỉ đồng.
Ngoài ra, NHNN và các tổ chức tín dụng còn ban hành kịp thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh như Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, tái cơ cấu, hoãn giãn các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán, giảm lãi suất...
Tính đến ngày 14/6/2021, các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỉ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ ngày 23/1/2020 đến ngày 14/6/2021 là 18.279 tỉ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 3.700.754 tỉ đồng cho 506.151 khách hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỉ đồng, cho vay mới đối với 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng nhà nước kịp thời có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi... Đặc biệt là đợt giảm lãi suất vừa được các ngân hàng đồng thuận triển khai từ ngày 15/7 sẽ tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh việc hạ lãi suất cho các DN vay, ngân hàng còn chú ý chăm sóc khách hàng gửi tiền, mà một số lượng lớn khách hàng là NCT, họ tích luỹ của một số vốn để chăm lo tuổi già, họ tin tưởng vào ngân hàng, chứ không mạo hiểm đầu tư vào các kênh rủi do như hụi, tín dụng đen, bán hàng đa cấp… Tuy lãi suất còn chưa cao nhưng bảo đảm có lãi để họ chăm lo cuộc sống, đỡ đần con cái khi họ gặp hoạn nạn, lo chợ búa khi con cái mất việ làm tạm thời trong dịch Covid-19. Việc các ngân hàng hỗ trợ mua các thiết bị y tế trang bị cho các bệnh viện cũng góp phần chữa bệnh cho NCT, đối tượng yếu thế, bị nhiều bệnh nền và thời gian nằm viện ngày càng dài đối với NCT tuổi càng cao.