Nên giữ tục lệ “khao lão”
Xã hội 20/10/2023 14:31
Theo đó, đã là trai của làng, dù mang dòng họ khác nhau, dù có đi đâu, ở đâu và làm nghề gì, thì cứ đến tuổi 54 tính theo âm lịch, vào ngày hội khao lên lão của làng (11/11 âm) đều phải có mặt ở gia đình để “khao lão”. Ngày này, người được “khao lão” ăn mặc chỉnh tề, chuẩn bị đầy đủ chè nước, trầu cau để đón khách là anh em họ hàng, dân làng đến chúc mừng đã được tuổi trời cho. Sau ngày này, những người ấy sẽ được dân làng phong lên “chức cụ”, ghi vào danh sách dự họp tại đình làng để bàn các công việc hương ước của làng.
Những người trình lão dâng lễ thành hoàng làng |
Với những người còn đang công tác, bận công việc không về kịp thi phải ủy quyền nhờ anh em ruột thịt ở nhà tổ chức đầy đủ các thủ tục như mọi người. Ai không làm sẽ bị họ hàng chê cười, các cụ bô lão nhắc nhở khiển trách. Kiểm lại trong thôn từ trước đến giờ chưa có trường hợp nào đến tuổi khao lão lại quên lệ này. Điều rất đáng mừng là những người sau khi đã làm thủ tục “khao lão” thì đều có những thay đổi trong tác phong sinh hoạt, bỏ đi những kiểu ăn nói thô tục và gương mẫu thực hiện những quy ước của làng xóm.
Hội các cụ bô lão của làng tôi có từ lâu rồi, nay lại có tổ chức Hội NCT hoạt động hiệu quả, NCT trong làng phát huy tốt vai trò “cây cao bóng cả”. Vì thế, có nhiều ý kiến đề xuất xin bỏ lệ “khao lão”, vì 54 tuổi mà gọi là cụ thì quá trẻ (!). Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn giữ lệ “khao lão”, vì đó là tục lệ mang dấu ấn lịch sử. Bởi ngày xưa dưới chế độ thực dân phong kiến, tổ tiên ta đói khổ nghèo túng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bệnh tật lan truyền, tính mạng thường xuyên bị đe dọa, ít ai sống thọ được đến 54 tuổi mà thường chết non ở tuổi 49 hoặc 53. Chỉ những người giàu sang mới sống hơn 54 tuổi, còn người nghèo khó sống đến tuổi ấy là phúc thọ lắm rồi nên cần giữ để không quên quá khứ.
Ngày nay, đời sống của Nhân dân thôn Bình Cầu nói riêng và của cả nước nói chung được nâng cao; tuổi thọ của người dân được tăng lên rõ rệt, số người có tuổi thọ trên 80 tuổi của làng mỗi năm một tăng.Tục lệ khao lão của làng tôi tuy có chút bất cập về độ tuổi nhưng đã mang dấu ấn lịch sử và thực hiện thành nền nếp. Hơn nữa, việc “khao lão” cũng gọn nhẹ, tiết kiệm và mang tính nhân văn, vì vậy, thiết nghĩ cần duy trì để con cháu đời sau ghi nhớ công ơn của Đảng.