NCT tỉnh Cao Bằng phát huy tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng” xây dựng quê hương
Hoạt động hội địa phương 22/03/2022 10:24
Hội NCT tỉnh hiện có 52.485 hội viên, trong đó có nhiều hội viên là quân nhân, cán bộ, công chức nghỉ hưu giàu kinh nghiệm sống, giàu tính sáng tạo, mong muốn đóng góp trí tuệ và phần sức lực còn lại cho gia đình, góp phần làm giàu cho quê hương. Khai thác những ưu điểm nội bật này, Hội NCT các cấp trong tỉnh tăng cường phát triển hội viên, quan tâm chăm sóc sức khỏe hội viên, đồng thời đưa các cuộc vận động: NCT tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; NCT tham gia phát triển kinh tế; NCT tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; NCT tham gia bảo vệ môi trường… vào nền nếp. Từ đó tạo ra không khí hào hứng, phấn khởi cho hội viên. Các hội viên NCT trong 10 huyện, thị đều nêu cao gương sáng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới. NCT vận động, chỉ bảo con cháu đưa trâu, bò ra khỏi nhà ở, vừa “sạch làng tốt ruộng”, bảo đảm môi trường; vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sự chuyển động tốt trong xây dựng nông thôn mới. Cùng con cháu, bà con trong xóm hiến 208,685m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và công trình phúc lợi; góp 18.000 ngày công và ủng hộ trên 2 tỉ đồng xây dựng nhà văn hóa, trạm xá,… được cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao.
Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Cao Bằng làm việc tại cơ sở |
Theo báo cáo của các địa phương, hiện toàn tỉnh có 60% NCT vẫn trực tiếp tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trong đó có 108 NCT là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, trên 500 NCT đạt danh hiệu NCT làm kinh tế giỏi. Đặc biệt các chủ doanh nghiệp NCT luôn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), xóa nhà tạm cho nhiều gia đình chính sách, nhà dột nát cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, với tổng trị giá hàng tỉ đồng. Tiêu biểu cho những việc làm nghĩa tình này là bà Phạm Thị Thanh Trung, ông Phạm Thái Học (TP Cao Bằng); bà Hoàng Thị Nơi (huyện Nguyên Bình); ông Ngô Văn Sam (huyện Hà Quảng);...
Đối với các hội viên có bề dày kinh nghiệm trong nông nghiệp và sự từng trải trong quá trình chỉ đạo sản xuất, tổ chức thực hiện các phong trào ở cơ sở, đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, như trồng cây dong riềng, trồng nấm hương, nho đen công nghệ cao, nuôi trâu bò vỗ béo. Từ đó mở ra hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo hướng “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần vào việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo ra những thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nhiều xã trong tỉnh đã đạt xã nông thôn mới, thật sự là chỗ dựa, là niềm tin khích lệ các xã khác noi theo, xứng đáng với danh hiệu “Tuổi cao - Gương sáng”.