Náo nức những bước chân thần tốc tiến vào Sài Gòn
Sự kiện 30/04/2023 09:30
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 12 pháo binh Vương Căn lệnh cho 4 đại đội trưởng, gồm đại đội pháo cối 160 li, đại đội pháo ca-nông 85 li và 2 đại đội lựu pháo 105 li khẩn trương chuẩn bị vũ khí, khí tài, xe pháo, đạn sẵn sàng chờ lệnh xuất phát. Vào dịp kỉ niệm 84 năm Ngày sinh của Bác (tháng 5/1974), tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập Quân đoàn II. Tiểu đoàn 12 chúng tôi trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 84 pháo binh thuộc Sư đoàn bộ binh 325 - 1 trong 3 sư đoàn bộ binh của Quân đoàn II.
Cuối tháng 2/1975, đại đội pháo cối 160 li và hai đại đội lựu pháo 105 li nhận lệnh hành quân di chuyển đến lập trận địa tại phía Tây Nam Thừa Thiên-Huế bắn hỗ trợ Trung đoàn 95 bộ binh của Sư đoàn 325 đánh chiếm sân bay Phú Bài cắt quốc lộ 1 chặn đường quân địch từ Đà Nẵng nống ra chi viện cho mặt trận Thừa Thiên Huế và để chặn đường rút quân của địch theo đường bộ khi chúng lâm vào thế bất lợi.
Chiến dịch Xuân-Hè 1975 của bộ đội ta được mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên ngày 10/3/1975 giành thắng lợi khiến địch phải bỏ Tây Nguyên chạy về co cụm ở Đà Nẵng. Quân Giải phóng chớp thời cơ tiến công mạnh mẽ từ nhiều hướng nhanh chóng giải phóng Huế vào ngày 26/3/1975, khiến lực lượng còn lại của địch ở Quảng Trị phải tự tan rã, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng.
Một số cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn pháo 12 chụp tháng 5/1975, tại Sài Gòn (từ phải sang: Tác giả, tiểu đoàn trưởng Vương Căn và các đồng đội). |
Nhận lệnh của tiểu đoàn trưởng Vương Căn, đại đội pháo 85 li tập trung lực lượng với sự giúp sức của đại đội bộ binh đã kéo thành công 2 khẩu pháo 85 li lên cao điểm 565 trên dãy núi Bạch Mã có nhiệm vụ bắn tà âm xuống chặn đường rút lui của địch bằng đường bộ từ Thừa Thiên Huế về cố thủ ở Đà Nẵng. Mỗi phát đạn là một chiếc xe vận tải cỡ lớn GMC hoặc xe quân sự của quân ngụy bốc cháy ngùn ngụt, làm chúng khiếp sợ không dám rút lui trên Quốc lộ 1 và buộc chúng phải chạy ngược ra cửa biển Thuận An, thuộc huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế để ra tàu chiến rút về Đà Nẵng bằng đường biển. Sự hoảng loạn của địch càng bị dồn nén khi chúng co cụm về Đà Nẵng ngày một nhiều và điều gì đến sẽ phải đến, bộ đội ta ào ào xốc tới giải phóng TP Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975.
Sau những trận đầu phối thuộc đánh thắng giòn giã, tiểu đoàn được củng cố bổ sung quân số, khí tài quân sự tại khu vực sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng trước khi tiếp tục hành tiến về phía Nam. Tại đây, chúng tôi được nghe Chính trị viên trưởng tiểu đoàn Trương Hữu Đương trực tiếp truyền đạt Mệnh lệnh hành quân chiến đấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, toàn văn như sau:
“1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo hơn nữa;
Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam;
Quyết chiến và toàn thắng.
2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ.
Kí tên: Văn”
Nghe Mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh, anh em chúng tôi nắm chặt tay nhau rồi ôm lấy nhau cùng cười vang và cảm nhận ngày chiến thắng đã sắp đến rất gần. Ngày 8/4/1975, đơn vị được lệnh hành quân. Xe pháo ầm ầm chạy cả ban ngày ban đêm rung chuyển quốc lộ 1 với khí thế “Thần tốc, Táo bạo hơn nữa” đánh đuổi quân địch, có những lúc xe pháo mải miết chạy trước cả những đơn vị bộ binh phối thuộc nên tiểu đoàn trưởng phải lệnh cho liên lạc chạy lên nhắc nhở, kiềm chế tốc độ hành tiến. Chẳng bù cho những ngày ở rừng rú, anh em pháo thủ phải ngụy trang trận địa thật kĩ kẻo máy bay trinh sát OV10 hoặc L19 phát hiện bắn xuống một quả pháo khói sẽ lập tức bị lũ máy bay phản lực A37, T28 kéo đến ném bom hoặc bị pháo tầm xa, pháo từ chiến hạm và nhất là từ trận địa pháo 175 li “Vua chiến trường” của địch bắn đến.
Giờ đây, hễ gặp xe tăng, xe bọc thép, ô-tô vận tải GMC chở quân trang quân dụng, các ổ kháng cự của địch trong lô-cốt, trên những tòa nhà cao tầng dọc đường hành quân… là Tiểu đoàn trưởng lệnh cho chỉ huy đại đội Ca-nông 85 tiêu diệt. Những trận đánh như vậy không hề có trong giáo trình sử dụng pháo mặt đất hay bài giảng của giảng viên dạy các pháo thủ, mà chỉ có trong thực tế chiến đấu. Anh em rất thán phục và tin tưởng vào vị tiểu đoàn trưởng tài hoa của mình.
Cứ như thế, sau 5 ngày chúng tôi “Thần tốc, Táo bạo” tham gia giải phóng 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, với thế chẻ tre, xóa sổ và làm tan rã các sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến của địch.
Ngày 13/4/1975, quân ngụy lập tuyến phòng ngự từ xa tại thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận nhằm ngăn chặn bước tiến vũ bão của bộ đội ta. Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh của Chỉ huy Trung đoàn sử dụng pháo cối 160 li, lựu pháo 105 li bắn bao bọc phá hủy các chốt quan trọng trên tuyến phòng ngự của quân ngụy và pháo kích sân bay Thành Sơn.
Ngày 14/4/1975, tuyến phòng thủ từ xa cố thủ Phan Rang của địch bị xóa sổ, tỉnh Ninh Thuận được giải phóng. Quân giải phóng bắt sống trung tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi và chuẩn tướng ngụy Phan Ngọc Sang, thu được nhiều vũ khí đạn dược, thiết bị quân sự của quân ngụy, xe pháo và những sư đoàn bộ binh lại hùng dũng “thần tốc” tiến vào giải phóng các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy, Long Khánh và áp sát TP Biên Hòa. Thất thủ ở Phan Rang, địch tập trung quân lập phòng tuyến Xuân Lộc cửa ngõ thành phố Biên Hòa.
Ngày 20/4/1975, quân giải phóng phá vỡ phòng tuyến Xuân Lộc, mở toang cánh cửa để quân giải phóng tiến vào giải phóng Biên Hòa và Sài Gòn.
Ngày 26/4/1975, chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh bắt đầu. Tiểu đoàn 12 pháo mặt đất chúng tôi phối thuộc tác chiến với Trung đoàn 18 bộ binh của sư đoàn đánh chiếm căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, bến phà Cát Lái, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Lữ đoàn xe tăng 203 đã cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng“ trên nóc tòa Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn.
Chỉ trong vòng gần 5 ngày, chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn, miền Nam đã được giải phóng. Cuộc kháng chiến trường kì 30 năm không ngơi nghỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã kết thúc thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Đơn vị chúng tôi hòa trong niềm vui chung của dân tộc tại buổi diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 ở trước tòa dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất TP Hồ Chí Minh.