Nậm Cắn - một miền biên viễn
Xã hội 13/10/2023 17:26
Giữa hai miền biên viễn
Miền biên viễn Nậm Cắn ở độ cao khoảng 1.200m so mặt biển, giáp tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Đường lên Nậm Cắn ù tai vì độ cao. Từ hướng Mường Xén lên Nậm Cắn, đứng từ con đèo ngã ba Noọng Dẻ là cao điểm đẹp nhất để có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Mường Xén. Đường 7A mềm như một dải lụa đào vắt ngang lòng thung lũng, hàng sa mộc kiêu hãnh vươn mình dưới ánh mặt trời, và những mái nhà gỗ xám mốc phảng phất làn khói hư ảo sau những bờ rào đá.
Quân và dân miền biên giới luôn bảo vệ cột mốc chủ quyền và an ninh biên giới. |
Nậm Cắn, tiếng Thái nghĩa là cùng chung dòng suối, mang một nghĩa rất đẹp, Việt - Lào cùng chung nhau một dòng nước. Bên kia là đỉnh Đia Đam, Pà Cả của huyện Noọng Hét, nước bạn Lào, bên này là Nậm Cắn (Việt Nam). Cái tên Nậm Cắn đọc đúng là “Nặm Căn” nghĩa là cùng chung nhau. Thì đúng vậy rồi, Nhân dân hai huyện Kỳ Sơn - Noọng Hét, Nghệ An - Xiêng Khoảng đã uống chung một con suối và kết nghĩa anh em từ bao đời nay. Mỗi tuần một phiên chợ hữu nghị sát biên giới được mở để giao lưu hàng hóa. Có chợ biên, là đã bớt “đìu hiu”.
Gần 3 tháng trước, cơn lũ quét đã tàn phá các địa điểm như Nậm Cắn, Mường Xén... khiến nơi này tan hoang, khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng với nghĩa đồng bào, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc đã tích cực ủng hộ, chia sẻ, động viên giúp đỡ người dân bị vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, Bộ đội Biên phòng... đã nỗ lực không ngừng nghỉ để cuộc sống người dân trở lại yên bình đón mùa Xuân mới.
Cuộc sống thay đổi toàn diện như những luồng gió mới thổi đến từng gia đình ở hai miền biên giới Việt-Lào ở Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An). |
Xã vùng cao Nậm Cắn nằm bên Quốc lộ 7A nối xứ Nghệ với địa đầu miền Tây, cách thị trấn Mường Xén 20km lên hướng biên cương. Trên đỉnh trời ở cột mốc ranh giới quốc gia Việt - Lào quanh năm mây mù che phủ ấy, mỗi tháng diễn ra 3 phiên chợ trao đổi hàng hóa giữa người Việt với người Lào vùng biên. Sản phẩm mà họ đem bán chủ yếu được hái lượm từ rừng núi, hoặc “cây nhà, lá vườn” tự trồng, nuôi được. Đó là hoa chuối rừng, măng rừng, rau má, hạt tiêu rừng, gà rừng... Đặc biệt, có người đi chợ chỉ bán mấy cục đá nhặt ở suối. Mặc cho tiếng xì xào của người buôn, kẻ bán, tiếng lợn éc, gà kêu... những đứa trẻ “đi chợ bất đắc dĩ” vẫn ngủ say sưa trên lưng mẹ.
Bản Tiền Tiêu (xã Nậm Cắn) nằm sát biên giới, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Những ngày gió rét ùa về, Trường tiểu học Nậm Cắn 1 nằm dựa vào lưng đồi, phía sau cây cối rậm rạp, sương mù bay mù mịt che khuất khuôn viên. Thầy Bùi Trung Sức (Hiệu phó trường Nậm Cắn 1) cho biết: Trường tiểu học Nậm Cắn có 44 cán bộ, giáo viên, trong đó có 6 giáo viên người Thái, 1 giáo viên người Mông, 9 người nội trú. Số lượng học sinh là 348 em ở 4 điểm trường, chủ yếu thuộc các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú.
Chênh chao mùa gió buốt
Ai đã đi đến, chắc chắn sẽ luôn nhớ về miền đất ấy. Nỗi nhớ như một dòng suối ngầm mạnh mẽ chảy trong lòng, nhắc rằng đã đến và đã thấy, đã thở và đã sống, đã gặp và đã yêu. Từ cành hoa đào nở ở ven con đường chênh vênh lên bản, nơi bờ rào gỗ bên nhà.... như những đốm sáng nhỏ xíu mà ấm áp giữa cái mờ sương trên độ cao hơn 1.400m của dãy Pu Xai Lai Leng. Chốn biên cương nơi địa đầu Tổ quốc ấy từng ghi dấu trong lòng người hai chữ: Nậm Cắn.
Lực lượng chức năng hai miền biên giới Việt-Lào ở Nậm Cắn luôn hợp tác với tình hữu nghị bền chặt |
Năm tháng qua đi, đời sống người dân đã khá hơn rất nhiều nhưng vẫn không làm miền đất ấy đổi thay về nếp sống, vẫn còn nguyên đó những mái nhà gỗ xám của người Mông nằm im lìm sau hàng rào gỗ, hàng mận xanh trong trẻo, nắng sớm tràn về qua khe núi dệt thành tấm áo lưới óng mềm như tơ lụa, cái lạnh của rẻo cao vẫn ngấm ngầm thấm vào da thịt, và tiếng khèn Mông còn da diết, trầm bổng dưới hiên nhà.
Nậm Cắn ngày Xuân đến, có cô gái quay tơ bên khung cửi sớm bên đường. Một cách giản đơn và mộc mạc đến khó tin, chiếc khung cửi được làm từ những dóng tre khô, hình thoi, đặt ngay trước sân nhà. Bóng đứng se sợi in hình dưới nắng sớm, trong không gian tĩnh lặng đến nao lòng, ngỡ như nghe thấy cả tiếng gió đang reo trên cây, tiếng cánh hoa hồng bật nở sau bờ rào gỗ, tiếng trẻ con khóc lẫn trong tiếng vỗ về nghe như xa như gần, tiếng bước chân lạo xạo trên đường…
Ở nơi tận cùng cực Tây ấy, Nậm Cắn giống như một cô sơn nữ mới lớn, vừa căng tràn sức trẻ lại vừa e ấp vụng về. Dưới kia, thị trấn Mường Xén như một bức tranh bé xíu nhưng sắc nét của một thị trấn vùng biên với rộn rã sắc màu của những mái nhà cao thấp lô nhô bên cái thẫm xanh trầm mặc của đại ngàn và thao thiết chảy một dòng Nậm Mộ như sợi chỉ trắng yêu thương ôm ấp thị trấn miền sơn cước.
Theo ông Hờ Bá Chá, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, nhiều năm qua, để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân hai nước có cơ hội thường xuyên gặp gỡ và giao thương. Còn ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn chia sẻ, xã biên giới Nậm Cắn với đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, do nhận thức còn nhiều hạn chế nên trước đây tình hình tội phạm ma túy diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng chủ mưu thường dụ dỗ, lợi dụng người dân trong quá trình đi thăm người thân qua biên giới để vận chuyển ma túy về Việt Nam. Những năm gần đây, nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận thức của người dân đã nâng lên rõ nét, từ địa bàn phức tạp Nậm Cắn trở thành một trong 26 xã biên giới của tỉnh Nghệ An “sạch ma túy”.
Già làng Lỳ Bá Tu (bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn) cho biết, giờ bản làng bình yên, không ai buôn bán hay nghiện hút gì nữa, ai cũng chăm lo làm ăn, đời sống ngày một nâng cao. So với hơn 10 năm trước, Nậm Cắn giờ thực sự vươn lên, sản xuất, thương mại và dịch vụ phát triển hơn.
Một góc cổng trời Nậm Cắn. |
Theo chân các chị đi ra phiên chợ nơi cổng trời Mường Lống vào sáng sớm tinh mơ mùa đông mới thấy hết cảnh đẹp nên thơ của vùng đất biên viễn này. Từng đám mây trắng vẩn vơ vắt quanh những dải núi xanh biếc kéo dài ngút mắt đến đường chân trời tít tắp. Những thiếu nữ Khơ Mú, Mông, Thái xúng xính váy áo sặc sỡ, đôi má ửng hồng, nụ cười rạng rỡ, ấm áp báo hiệu những mùa vàng bội thu.
Đại úy Phan Thế Chuẩn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cho biết, địa bàn dọc tuyến biên giới chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Một trong những kênh rất hiệu quả là tuyên truyền thông qua già làng, trưởng bản, người có uy tín ở địa phương. Cùng với đó, những người lính quân hàm xanh tích cực tham gia xây dựng các mô hình sinh kế, giúp người dân có nền kinh tế bền vững hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bất chợt, như dâng lên từ núi, nắng đã xuyên những sợi vàng lung linh lên trập trùng Nậm Cắn. Cuộc sống thay đổi toàn diện như những luồng gió mới thổi đến từng gia đình ở hai miền biên giới Việt - Lào. Tình đoàn kết, các nét văn hóa giao thoa như một minh chứng sống động, bền bỉ, sắt son cho nghĩa tình cộng đồng các dân tộc ở miền đất này.