Một số kinh nghiệm nhân rộng mô hình CLB LTHTGN ở Nga Sơn
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau 14/02/2023 15:04
Bước sang nhiệm kì Đại hội lần thứ II (2016-2021), thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Hội NCT tỉnh Thanh Hóa về triển khai Đề án 300 nhân rộng mô hình CLB LTHTGN giai đoạn 2016- 2020. Bám sát mục tiêu và những yêu cầu của Đề án, Ban chấp hành Hội NCT Nga Sơn đã xây dựng kế hoạch công tác toàn khóa, theo đó xác định cụ thể mục tiêu về nhân rộng mô hình CLB LTHTGN toàn khóa và hằng năm. Báo cáo kế hoạch và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện về mặt công tác này. Trên cơ sở đó ban Thường vụ Hội đã tiến hành khảo sát nắm chắc tình hình, lựa chọn điểm có tiềm năng về sự lãnh đạo, chỉ đạo; năng lực và sự quyết tâm cao của hệ thống Hội để gợi ý, giao nhiệm vụ cho cơ sở.
Thường trực Huyện Hội tiến hành tham quan cơ sở, tiếp xúc làm việc với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, cung cấp thông tin nâng cao nhận thức cho lãnh đạo cơ sở về mô hình CLB
LTHTGN. Tuyên truyền trong hệ thống Hội Đề án nhân rộng mô hình CLB LTHTGN, khơi dậy trách nhiệm, sự nhiệt tình, niềm ham muốn được tiếp cận triển khai mô hình mới trong đội ngũ cán bộ, hội viên NCT và cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng thời chỉ đạo Thường trực Hội cơ sở tham mưu cấp ủy, chính quyền chọn điểm để giao nhiệm vụ cấp ủy, chi bộ thôn, giao nhiệm vụ các tổ chức chính trị - xã hội như MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,… phối hợp thực hiện Đề án.
Khi đã thành lập CLB LTHTGN, các cấp Hội bám sát, chỉ đạo việc duy trì hoạt động theo 8 mảng quy định. Từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt để tự khẳng định tính hiệu quả thiết thực, tính nhân văn trong hoạt động của mô hình. Thực tế đã được lãnh đạo các cấp và Nhân dân đánh giá cao.
Để CLB LTHTGN được thành lập hoạt động hiệu quả, cần thực hiện tốt các bước sau:
- Về nhân sự: Tuyên truyền vận động thành viên là NCT, là hội viên các tổ chức chính trị - xã hội tự giác tham gia CLB, phối hợp với cấp ủy thôn sàng lọc, lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, nhiệt tình trách nhiệm và năng lực phù hợp với yêu cầu hoạt động mô hình CLB LTHTGN dự kiến vào các chức danh ban chủ nhiệm, coi đây là yếu tố quyết định chất lượng CLB sau này. Ban chủ nhiệm và chủ nhiệm CLB cần lưu ý bố trí những cán bộ, đảng viên hoặc cấp ủy viên chi bộ kiêm nhiệm.
- Về bảo đảm nguồn vốn cho CLB ra mắt: Theo quy định, mỗi CLB LTHTGN khi ra mắt, vốn ban đầu phải có tối thiểu 50 triệu đồng, đây là vấn đề khó đối với một địa phương thuần nông, kinh tế chậm phát triển, thu nhập thấp. Các doanh nghiệp lớn có khả năng vận động hỗ trợ cho mô hình CLB LTHTGN ở Nga Sơn rất hạn chế. Do vậy, Hội NCT xác định nguồn chính là dựa vào vận động “xã hội hóa” rộng rãi trong cộng đồng và trong hội viên NCT. Hàng năm vào dịp “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”, Thường trực Huyện Hội đều có tờ trình Ban Thường vụ Huyện ủy. Sau khi được Thường vụ Huyện ủy đồng ý chủ trương thì Hội NCT tiến hành tham mưu cho Thường trực UBND huyện có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong huyện việc thành lập Ban chỉ đạo “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”, trong đó quy định mức vận động tự nguyện đối với “Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT”, mỗi cán bộ công chức, viên chức, người hưởng lương ủng hộ ít nhất 50.000 đồng. Nguồn này mỗi năm thu vào quỹ được 120 đến 130 triệu đồng.
Hội NCT huyện xin chủ trương của cấp ủy, chính quyền triển khai phát động của Thường trực tỉnh Hội, theo đó vận động cán bộ hội viên NCT và con em, các nhà hảo tâm tự nguyện ủng hộ quỹ ít nhất 20.000 đồng/năm. Quỹ này do cơ sở Hội vận động trích nộp về huyện khoảng 35 đến 40%, nguồn này mỗi năm thu về chi nhánh huyện được khoảng 100 triệu đồng.
Trong suốt 6 năm qua, mỗi năm quỹ chi nhánh thu được bình quân 230 triệu đồng, đủ trang trải cho việc thăm hỏi, tặng quà nhân “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”, tập huấn các ban chủ nhiệm, tổng kết mô hình và các chi phí khác theo quy định. Số còn lại phần lớn (khoảng 70 đến 80%) dành cho việc đầu tư vốn các CLB LTHTGN khi thành lập.
Hiện nay, Nga Sơn đang thực hiện việc giao vốn cho CLB LTHTGN: Huyện 25 triệu đồng (5 năm trước 30 triệu đồng); Hội NCT xã, thị trấn 10 triệu đồng, nơi thành lập CLB phải huy động được 15 triệu đồng. Với nguồn hỗ trợ từ quỹ của hai cấp Hội và huy động tại chỗ, đến nay 43 CLB LTHTGN đang quản lí và sử dụng 3,4 tỉ đồng - đây là tài sản chung của Hội NCT, các CLB LTHTGN và của cán bộ, Nhân dân trong huyện. Với kết quả trên, hàng năm Hội NCT Nga Sơn đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Tỉnh Hội giao về Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT và thành lập CLB LTHTGN từ 150 đến 160% kế hoạch đề ra.
Năm 2020, Nga Sơn đã phủ kín CLB LTHTGN ở các xã, thị trấn trong huyện; năm 2022, có 1 xã đã phủ kín CLB LTHTGN ở các thôn. Có được kết quả nhân rộng mô hình CLB LTHTGN và các CLB hoạt động hiệu quả là do:
- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện về chủ trương, cơ chế của Huyện ủy, UBND, MTTQ từ huyện đến cơ sở.
- Tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành có quyết tâm cao, có sự bứt phá của hệ thống Hội từ huyện đến cơ sở với tinh thần “Đoàn kết - Nêu gương - Tự chủ - Sáng tạo”.
- Hiệu quả hoạt động của mô hình CLB LTHTGN mang lại tác động tích cực đối với phong trào xây dựng nông thôn mới ở các khu dân cư, mang lại niềm tin và sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân toàn huyện.
Hội NCT huyện Nga Sơn quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt Công văn số 96/CV-HNCT về nâng cao chất lượng CLB LTHTGN của Tỉnh Hội, đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình để kết thúc nhiệm kì Đại hội lần thứ III có 33% Chi hội khu dân cư thành lập được CLB LTHTGN.