Mắm tôm Lê Gia - Sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia đầu tiên của xứ Thanh
Doanh nghiệp - Doanh nhân 31/03/2023 09:28
Mắm tôm Lê Gia thơm dịu, vị thanh, màu sim chín hoàn toàn tự nhiên được tạo thành từ sự chăm chút nâng niu của những nghệ nhân làm mắm, với nguồn nguyên liệu được chọn lọc từ tép biển tươi ủ với muối hạt trong thùng gỗ. Hiện sản phẩm đã được xuất khẩu ổn định đi nhiều nước.
Đại diên Công ty Lê Gia dẫn phóng viên thăm quan nơi sản xuất mắm tôm Lê Gia |
Trao đổi với phóng viên, đại diện công ty cho biết: Quy trình sản xuất được Công ty thực hiện rất nghiêm ngặt. Nguyên liệu để làm mắm thường được lựa chọn là con moi biển (hay còn gọi là ruốc biển). Chúng thường được lựa chọn vào tháng 7 và tháng 10 âm lịch, vì đây lúc moi ngon, thịt dày và vỏ mỏng nhất. Việc lựa chọn muối dùng ủ mắm cũng được Lê Gia lựa chọn cầu kỳ từ vùng muối trắng tinh và có độ mặn thuần khiết của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Ninh Thuận. Đặc biệt muối cũng không thể sử dụng ngay mà phải lưu kho trong 2 năm cho hết hẳn vị chát, gắt; sau đó mới đem ra sử dụng.
Việc trộn moi tươi và muối sẽ thực hiện theo tỉ lệ vàng 4/1. Sau đó đem xay nhuyễn hỗn hợp rồi phơi nắng trong vòng 5-7 ngày, tiếp theo sẽ ủ chúng trong những thùng gỗ bời lời khổng lồ. Hỗn hợp này sẽ được đảo đều, phơi nắng ít nhất 1 năm. Sau 12 tháng, được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận, những mẻ mắm tôm thơm dịu, vị thanh, màu sim chín hoàn toàn tự nhiên cộng với những điều kiện tự nhiên đặc trưng riêng của vùng biển Hoằng Phụ tạo thành sản phẩm đặc sắc là mắm tôm Lê Gia. Hiện, mắm tôm, mắm tép Lê Gia đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nam Phi…
Theo đại diện Công ty, tương tự như cách làm của những nhà sản xuất lành nghề ở quê hương là kết hợp quy trình nén gài của miền Nam với đánh khuấy của miền Bắc để vừa khắc phục những nhược điểm và tận dụng những ưu điểm, cho ra chất lượng sản phẩm tối ưu. Phương pháp kết hợp đòi hỏi nhiều kỹ thuật và sự chăm sóc tỉ mỉ và ở Lê Gia có những độc đáo trong cách làm để cho ra sản phẩm có mùi vị đặc trưng. Việc ủ mắm tôm trong thùng gỗ bời lời cũng là điểm độc đáo của Lê Gia, bởi loại gỗ này có đặc tính chịu mặn rất cao, là môi trường tuyệt vời cho enzyme phát triển tự nhiên. Những chiếc thùng gỗ ủ mắm này được đặt trong nhà tôn kín, không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giúp cho quá trình lên men sản phẩm được diễn ra tự nhiên và ổn định dưới nhiệt độ không chênh lệch giữa ngày và đêm.
Không chỉ tích cực trong các phong trào thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng, bảo vệ môi trường, giải quyết công ăn việc làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương và là thành tố quan trọng trong chuỗi giá trị ngư dân- diêm dân- người lao động làng chài- sản phẩm tinh hoa văn hóa; Lê Gia còn là điểm đến du lịch thú vị giúp gia tăng giá trị và cộng hưởng cùng với du lịch địa phương, khi gắn kết tour trải nghiệm nghề truyền thống tại Công ty Lê Gia với khách du lịch. Hiện Công ty đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng nhà máy với quy mô sản xuất gấp 3 công suất hiện tại kết hợp với mô hình trải nghiệm du lịch làng nghề sản xuất các sản phẩm mắm, nước mắm truyền thống.
Sản xuất mắm tôm theo truyền thống nhưng quy trình sản xuất được Công ty thực hiện rất nghiêm ngặt |
Ngoài sản phẩm OCOP của Công ty Lê Gia, tính đến hết năm 2022, toàn huyện Hoằng Hoá đã có 20 sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 5 sao OCOP cấp tỉnh. Đây cũng là một trong những đơn vị cấp huyện triển khai sớm và có hiệu quả chương trình OCOP. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, từ đầu năm 2023, toàn huyện có 16 xã đăng ký 19 sản phẩm mới tham gia chương trình, trong đó, có 2 sản phẩm của các HTX, 2 sản phẩm của công ty và 15 sản phẩm của hộ cá thể. Một số sản phẩm nổi bật như: Cua lột (Hoằng Phong); chả cá (Hoằng Châu); sứa biển Thảo Linh (Hoằng Trường); miến gạo Vân Dương (Hoằng Đạt); kê vàng ba làng (Hoằng Đông); nhộng trùng thảo khô (Hoằng Hải); bánh lá răng bừa bà Nhạn (Hoằng Phượng); khoai tây (Hoằng Tiến); hương Đông Khê (xã Hoằng Quỳ)…
Huyện Hoằng Hoá có nhiều sản phẩm mắm đạt thương hiệu 5 sao, 4 sao, bởi đây là huyện đồng bằng ven biển, có 12 km bờ biển và được ôm trọn bởi 2 cửa lạch chính là Lạch Trường, Lạch Hới; 2 bến cá Hoằng Trường và Hoằng phụ. Đây là tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển các ngành nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.