Luôn động viên, khuyến khích NCT phát huy vai trò trong sản xuất, kinh doanh
Phát huy vai trò NCT 28/11/2022 10:42
PV: Xin ông vui lòng đánh giá vai trò NCT và hoạt động của Hội NCT ở địa phương trong những năm qua?
Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Tỉnh Kiên Giang hiện có trên 90.000 NCT đang trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, trong đó trên 50.000 NCT là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp. Hầu hết NCT làm kinh tế giỏi đều thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, tham gia công tác xã hội, từ thiện và quan tâm đến đời sống người lao động trong cơ sở doanh nghiệp của mình...
Có được kết quả đó, phải kể đến vai trò của NCT được phát huy và hoạt động tích cực của các cấp Hội NCT trong tỉnh. Những năm qua, các cấp Hội NCT từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên phát động phong trào thi đua phát triển kinh tế là một trong những hoạt động nhằm phát huy tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”; Phong trào NCT sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển, phát huy tiềm năng, trí tuệ của NCT, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, qua các phong trào, NCT đoàn kết, tương trợ, học hỏi kinh nghiệm, tạo điều kiện cùng nhau phát triển, giảm nghèo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn |
Phong trào NCT sản xuất, kinh doanh giỏi được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội NCT. Từ khi triển khai phong trào, 100% chi hội và cơ sở hội phát động hội viên đăng kí thực hiện. Phát huy vai trò, bản chất lao động cần cù, sáng tạo, NCT khẳng định bản thân qua thành quả lao động, được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận.
Hằng năm, Hội NCT tỉnh Kiên Giang tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào, hoạt động nhằm phát huy vai trò NCT như: NCT sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo; thi đua xây dựng nông thôn mới…
Để động viên, khích lệ hội viên NCT phát triển kinh tế, các cấp Hội thường xuyên tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình kinh tế hiệu quả; đồng thời tạo điều kiện vay vốn, chuyển giao khoa học, kĩ thuật để NCT phát triển kinh tế. Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, hội viên NCT giúp nhau cây, con giống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh…
Với sự trợ giúp, động viên, khuyến khích của tổ chức hội, nhiều hội viên NCT mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thương mại… góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.
Với phong trào NCT sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn.
PV: Từ những việc làm thiết thực đó, chính quyền địa phương có sự chăm lo cho những NCT có hoàn cảnh khó khăn ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Thời gian qua, các cấp Hội NCT trong tỉnh quan tâm công tác chăm sóc NCT và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội. Cụ thể, Hội NCT tổ chức chúc thọ, mừng thọ; phối hợp ngành y tế tổ chức khám sức khỏe thường xuyên cho NCT, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đối với những hoàn cảnh NCT neo đơn, khó khăn trong cuộc sống; kiến nghị NCT đủ điều kiện được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội.
Thông qua câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) quan tâm chăm lo đời sống, sức khỏe, hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn... Với cách làm sáng tạo, các CLB LTHTGN đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Hiện tỉnh có trên 138.000 hội viên tham gia sinh hoạt tại 8.110 chi hội, tổ hội NCT. Bên cạnh thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc NCT, các cấp Hội NCT trong tỉnh quan tâm tuyên truyền, phát triển và nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.
PV: Ông đánh giá như thế nào về mô hình CLB LTHTGN đang hoạt động ở địa phương?
Ông Nguyễn Thanh Nhàn: CLB LTHTGN là điểm tựa, là mô hình có tính nhân văn cao, hỗ trợ hiệu quả công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Ở đâu có CLB, ở đó NCT được chăm sóc tốt. Thông qua hoạt động CLB, các thành viên hiểu và hỗ trợ nhau; thúc đẩy các phong trào thi đua tại cộng đồng; giúp người dân hiểu sâu hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
CLB LTHTGN là tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng, có nhiều người với nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh tham gia, trong đó phần lớn là NCT. Nội dung sinh hoạt CLB phong phú như các thành viên giúp nhau tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; chia sẻ kinh nghiệm sống; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; thường xuyên thăm hỏi, động viên, cùng nhau giữ gìn an ninh, trật tự nơi cư trú.
Tham gia CLB, cùng các hoạt động giúp nhau chăm sóc sức khỏe, các thành viên được tập huấn, tiếp thu kiến thức khoa học, kĩ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu ngành, nghề phù hợp sức khỏe của NCT, qua đó giúp NCT thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế, giúp thành viên chọn ngành, nghề phù hợp sức khỏe. Với ý nghĩa này, đến nay toàn tỉnh có 59 CLB LTHTGN.
Với những kết quả đạt được khẳng định đề án nhân rộng mô hình CLB LTHTGN là chủ trương đúng, góp phần khơi dậy và phát huy vai trò của NCT, kết nối nhiều thế hệ chung tay hỗ trợ NCT và hoàn cảnh khó khăn ở địa phương vươn lên trong cuộc sống.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!