Luật đấu thầu (sửa đổi): Có nên mở rộng phạm vi áp dụng đối với Công ty con của doanh nghiệp nhà nước
Sự kiện 24/05/2023 13:52
Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV nghe các Báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Các đại biểu thảo luận về dự án Luất Đấu thầu (sửa đổi) sáng ngày 24/5 |
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (Giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó: bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Chính phủ đã có văn bản về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nếu đáp ứng đủ điều kiện để được thông qua sẽ sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu .
Có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh?
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, các nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia như: phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh, quy định về áp dụng pháp luật, các trường hợp chỉ định thầu.
Góp ý vào nội dung của Dự thảo về phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh, quy định về áp dụng pháp luật, các trường hợp chỉ định thầu, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) tán thành và lựa chọn phương án 2 về đối tượng áp dụng tại Điều 2 Khoản 2. Trong đó điểm a quy định các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo luật của doanh nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trên 50 % vốn điều lệ.
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) |
Theo đại biểu, tại Điểm b quy định gói thầu trang thiết bị, cơ sở vật chất… cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu áp dụng theo phương án 2, thì với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được. Do đó cần đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ.
“Cần làm rõ khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào? Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Luật sửa đổi lần này có giảm thủ tục hành chính và thời gian trong hoạt động đấu thầu hay không”, đại biểu Tiến boăn khoăn.
Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa quy định tại Điều 6 để phù hợp với thực tế hiện nay (các tập đoàn, tổng công ty lớn đều có các doanh nghiệp xây lắp chuyên ngành; các đơn vị sự nghiệp công lập có năng lực chuyên sâu…) quy định về “độc lập tài chính, độc lập pháp lý” sẽ dẫn đến các đơn vị trực thuộc không được tham dự gói thầu của công ty mẹ/cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và không bảo đảm công bằng, cạnh tranh.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Luật không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với Công ty con của Doanh nghiệp nhà nước. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng đối với Công ty con của Doanh nghiệp nhà nước thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 04 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng. Vì Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý Doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó còn có các cơ chế giám sát khác.
“Nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với Công ty con của Doanh nghiệp nhà nước thì có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước. Mặt khác sự tác động việc áp dụng Luật đấu thầu cho công ty con của Doanh nghiệp nhà nước đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp”, đại biểu Hiếu lo ngại.
Không làm thu hẹp phạm vi áp dụng
Trong phiên thảo luận, có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng. Luật đã được sửa đổi nhiều lần nhưng không tránh được các kẽ hở nên vẫn xảy ra nhiều tiêu cực. Một số nội dung của dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, yêu cầu bám sát thực tiễn để hoàn thiện, bảo đảm đáp ứng đầy đủ mục tiêu đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. |
Giải trình thêm về dự thảo Luật Đấu thầu, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đây là Luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kĩ thuật lập pháp. Luật vừa phải giải quyết những vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này đều rất khó. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, gây khó khăn ách tắc; nếu lỏng quá lại không đảm bảo quản lý nhà nước.
Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Khi mà đã sử dụng vốn của nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước mà đã sử dụng vốn của nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của Luật này.
Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không khan thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.
Phương án Chính phủ trình đã phù hợp với cả các quan điểm của Nghị quyết của Trung ương 12, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của nhà nước tại tại các doanh nghiệp.
Về trường hợp chỉ định thầu, cơ quan soạn thảo sẽ cùng cơ quan thẩm tra rà soát lại để bảo đảm quy định bao phủ các trường hợp, chủ động được những trường hợp phát sinh.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã có một chương riêng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp với cả tính đặc thù, chuyên môn của ngành; bổ sung về quy định cho việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu của nhà thầu (mô hình máy đặt, máy mượn)…Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện được đầy đủ hết tất cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các đại biểu quan tâm.
Về những vướng mắc trong lĩnh vực kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, bên cạnh một số vướng mắc trong quy định của Luật thì hầu hết những các vướng mắc chủ yếu phát sinh từ tổ chức thực hiện hay thi hành hoặc những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của Nghị định và Thông tư. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo, cơ bản giải quyết, tháo gỡ được các vướng mắc này.