Luật Đất đai (sửa đổi): Thúc đẩy cơ chế “tự thoả thuận”.
Sự kiện 03/11/2022 15:54
Phát biểu tại tổ, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá dự thảo Luật trình Quốc hội đã có bước tiến hơn so với dự thảo được công bố lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn khá định tính, chưa theo kịp tinh thần của Nghị quyết 18.
Các đoàn đại biểu thảo luận tại tổ về Luật Đất đai sửa đổi, sáng 3/11 |
“Đây là dự án luật được cho là rất khó, tác động đến toàn dân, tầm quan trọng chỉ sau Hiến pháp, tuy nhiên báo cáo tổng kết thi hành luật và nhất là báo cáo đánh giá tác động còn khá sơ sài. Trong khi đó, các báo cáo này là thông tin khá quan trọng để đại biểu có được cái nhìn toàn thể về hạn chế của chính sách hiện tại cũng như tác động của các chính sách mới”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.
Quá trình từ khi dự thảo lần thứ nhất được công bố lấy ý kiến chuyên gia đến dự thảo trình Quốc hội, nhiều ý kiến góp ý đều nhấn mạnh quan điểm mọi chính sách phải lấy điểm tựa là hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên không nên chăm chăm đặt lợi ích của nhà nước lên trên hết trong mọi vấn đề về đất đai. Mà lần sửa đổi này là cực kỳ quan trọng vì đưa đất đai về giá trị thực, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp về đất đai, cũng có nghĩa là năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, giảm bớt gánh nặng cho người dân về áp lực nhà ở cũng có nghĩa là ổn định xã hội, tiền dư của dân được đổ vào sản xuất chứ không chạy theo những cơn sốt đất...
Đi vào nội dung của dự thảo luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng tán thành với khá nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra, nhất là trong phần trưng dụng, thu hồi đất. Tuy nhiên, lần sửa đổi này nên có quy định để thúc đẩy cơ chế “tự thoả thuận” chứ không nên thu hồi... Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), tại Điều 86 có quy định về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng để giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, phân bổ công bằng.
Tuy nhiên thu hồi đất để giải quyết các vấn đề chính sách xã hội và điều kiện cơ chế thu hồi đất này được thực hiện như thế nào? Về quy định như thế nào để đảm bảo cơ chế cân bằng. Cho nên sửa đổi Luật lần này cần phải rà soát kỹ lưỡng để quy định đảm bảo tính khả thi?.
Bên cạnh đó, đại biểu Hương còn băn khoăn những quy định đối với việc thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Trong đó bao gồm Khoản 1 bao giờ mới là thu hồi đất để thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư.
“Cần phải quy định rõ như thế nào để thực hiện phương thức đối tác công tư, tránh việc lợi ích nhóm, đầu tư các dự án gây khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương. Việc này nhất thiết phải quy định thật công khai để đảm bảo cơ chế thực hiện, đại biểu Hương đề nghị.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng (Điều 86) một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa cụ thể, rành rọt các điều kiện, tiêu chí, phân biệt rõ giữa dự án nào mục đích phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và dự náo nào mục đích kinh tế đơn thuần. Do vậy, để minh bạch trong thu hồi đất, tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan và khiếu nại, khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi cần rà soát, quy định cụ thể rõ ràng hơn.
Tại Điều 91, nhiều đại biểu đề nghị cần xem xét lại đối tượng nhận thông báo và chấp hành quyết định thu hồi đất, nếu chỉ thông báo thu hồi đất cho 1 đối tượng là người có đất bị thu hồi thì chưa đầy đủ vì ngoài người có đất bị thu hồi còn có đối tượng người có tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chủ sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Cần bổ thêm đối tượng người có tài sản gắn liền với đất và các chủ thể khác có liên quan đến đất bị thu hồi. Điều 91 cũng quy định, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị nên nên rút ngắn thời gian thông báo xuống chậm nhất là 30 ngày.
Về việc bổ sung quy định "ngân hàng đất nông nghiệp" tại Điều 124, đại biểu Vũ Hải Hà (Đồng Nai) nhận định đây là bước ngoặt trong tích tụ ruộng đất, khắc phục vấn nạn đất nông nghiệp bị bỏ hoang, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có diện tích đất nông nghiệp đủ lớn để hoạt động sản xuất. Tuy vậy, những nội dung quy định tại điều này hiện vẫn còn đang rất “mơ hồ” do đó cần bổ sung quy định cụ thể về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo với các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng như tạo cơ sở để Ngân hàng đất nông nghiệp có đầy đủ tư cách pháp lý nhằm hoạt động hiệu quả.