Linh hoạt với mục tiêu kép, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân
Xã hội 09/09/2021 07:44
Linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”
Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính, với việc tập trung thực hiện “mục tiêu kép” có nhiều chỉ đạo sát sao nhằm xử lí những tồn tại của nền kinh tế. Nhiều giải pháp phòng, chống dịch được ban hành và triển khai đồng bộ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng Nhân dân. Chính phủ cũng cố gắng cao nhất để bảo đảm các hoạt động sản xuất - kinh doanh không để đứt gãy chuỗi cung ứng, cấp phép kịp thời cho những chuyến xe luồng xanh chở nhu yếu phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm của nông dân và NCT, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân..
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kì năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79% so với cùng kì năm trước, đây cũng là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất kể từ năm 2016), biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu, điện và gas tăng. Đáng chú ý, mức lạm phát cơ bản trên là thấp nhất kể từ năm 2011. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách Nhà nước đạt 68% dự toán năm, tăng 15,6%.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực. Dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phục vụ công tác phòng, chống dịch được đẩy mạnh…
Người cao tuổi được tiêm vắc xin tại nhà. Ảnh Trọng Triết. |
Lần đầu tiên, Nghị quyết của Quốc hội thống nhất giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng kí lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được trao quyền mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh với điều kiện không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí. Quốc hội cũng quyết định chuyển 1.237 tỉ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, NSNN chi 4,65 nghìn tỉ đồng và tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021 đã chi 21,5 nghìn tỉ đồng. Cụ thể, 8,4 nghìn tỉ đồng mua vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách li, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch và 13,1 nghìn tỉ đồng hỗ trợ người dân, người cao tuổi (NCT), người yếu thế gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 42/2020/NQ-CP và 154/2020/NQ-CP của Chính phủ.
Để đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vaccine tiêm phòng Covid-19, Bộ Tài chính tham mưu nhiều giải pháp hiệu quả như trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020. Đặc biệt, việc thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đem lại nguồn lực lớn, có vai trò rất quan trọng bảo đảm nguồn lực phòng chống dịch.
“Quả ngọt” cho người cao tuổi
Để triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg), thời gian qua, toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp thực hiện các công tác liên quan nhằm đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng người tham gia, thụ hưởng.
Đối với NCT được hưởng lương hưu và NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, để công tác chi trả lương hưu, trợ cấp đầy đủ, kịp thời, an toàn, cũng như phát huy tinh thần quyết tâm cùng các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch hiệu quả, BHXH Việt Nam đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi trả lương hưu, trợ cấp tháng 9 và tháng 10/2021 vào cùng một kì chi trả. Đây là lần thứ 4 trong năm 2021, BHXH Việt Nam chủ động chỉ đạo tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng vào cùng một kì.
Trước những thách thức của đại dịch Covid -19, tinh thần đoàn kết “chống dịch như chống giặc” của dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp trong Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Hội NCT các địa phương đã đồng lòng vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp huy động nguồn lực xã hội trong phòng chống dịch. Nhiều tấm lòng nhân ái của những nhà hảo tâm đã chung tay cứu giúp những gia đình khó khăn, NCT neo đơn có bệnh nền, người yếu thế. Những sáng kiến mô hình thiện nguyện ra đời hỗ trợ tận nơi, như: “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “ATM gạo”, “ATM oxy”, “ATM lương thực thực phẩm thiết yếu”, “đi chợ giúp dân”… kịp thời hỗ trợ NCT bằng hình thức mua những sản phẩm rau củ quả bị tồn đọng tại vườn, thịt lợn, gà... tồn đọng trong chuồng.