Lên Vầy Nưa gặp các cụ triệu phú
Tuổi cao gương sáng 17/07/2018 12:50
Theo ông Bàn Văn Long, Chủ tịch Hội NCT xã Vầy Nưa: Người dân ở đây thoát nghèo, có của ăn của để, trở thành giàu có là nhờ nuôi cá lồng, chăn nuôi bò và trồng rừng. Đó là tiềm năng, thế mạnh của xã, là cái “gậy” để các hộ gia đình vượt qua đói nghèo, làm giàu bền vững, trở thành những triệu phú vùng hồ, nơi mà mấy năm trước, tỉ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất nhì của tỉnh Hòa Bình. Người làm nên kì tích ấy là những hội viên Hội NCT, các cụ đã tiên phong trong việc phá thế thuần nông, biến mặt hồ thành “bờ xôi ruộng mật”.
Gia đình hội viên Đinh Văn Son, Chi hội xóm Bờ có 6 lồng cá, bình quân một vụ cá, mỗi lồng cho thu từ 500 - 600 kg cá thịt, đạt giá trị trên 600 triệu đồng. Ông Son nuôi cá lồng từ năm 2000, mới đầu ông chỉ nuôi 2 lồng gọi là “nuôi thử”. Lúc đó chưa có kinh nghiệm nên cá chậm lớn, bị bệnh chết nhiều, có vụ gần như trắng tay. Được sự hỗ trợ về kĩ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh Hòa Bình, như được tiếp thêm nghị lực, ông Son và những hộ nuôi cá lồng trong xã đã mạnh dạn mở rộng quy mô từ 2 - 3 lồng lên 6 - 10 lồng/hộ, có hộ nuôi tới 15 lồng, đồng thời tập trung đầu tư đưa những giống cá giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định vào nuôi, như cá trắm đen, lăng đen, trê lai, chiên, vì vậy thu nhập cao hơn trước rất nhiều.
Sản phẩm cá lồng xã Vầy Nưa hút khách du lịch.
Ông chủ 8 lồng cá người xóm Nưa Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: Từ nghề làm ruộng nương, bỏ xuống hồ làm nghề nuôi cá trong lồng là một cuộc đấu tranh tư tưởng thật sự khó khăn. Làm nương, mất mùa còn vớt vát được đôi chút, nuôi cá lồng đã mất là trắng tay, kéo theo là nợ nần. Ông Mạnh cũng từng trắng tay, ôm mặt khóc giữa lồng cá. Nhưng tuổi cao, chí lớn, được vợ con đồng lòng, đồng sức nên ông đã có cơ ngơi như bây giờ. Ông Mạnh cho biết, để giảm chi phí, ông đã trang bị vó đèn, đêm cùng các con ra hồ kéo cá tép làm thức ăn cho cá lồng, thả rọ tôm kiếm thêm thu nhập phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.
Nói về thu nhập hàng năm của gia đình, ông Mạnh khiêm tốn cho biết: Cũng vài trăm triệu thôi, nhưng đó là nguồn thu ổn định. Cái quan trọng nhất là mình có tuổi rồi nhưng để lại cho con cháu cái nghề, cái cần câu cơm. Đấy là điều hạnh phúc nhất của tôi.
Nếu con cá làm giàu cho nhiều hộ ven hồ thì cây keo, con bò lại là tiềm năng để các hộ ở xa mặt hồ làm giàu. Ví như ông Đinh Văn Lành, cựu Chủ tịch UBND, cựu Bí thư Đảng ủy xã. Nghỉ chế độ hưu năm 2009, ông Lành không xuống hồ mà lên núi làm trang trại nuôi bò, trồng rừng, đào ao nuôi cá, ba ba. Gần 10 năm dãi nắng dầm mưa trên đồi, ông Lành đã gây dựng được đàn bò hơn 30 con, mỗi năm ông bán 5 - 6 con và duy trì ổn định đàn bò từ 12 - 15 con.
Ông Lành cho biết: Ngoài đàn bò, gia đình có hơn 6 ha rừng keo, các con đi công tác, hai vợ chồng già không thể cáng đáng được hết công việc, vì vậy ông bán “tỉa” đàn bò lấy tiền thuê lao động trồng, chăm sóc cây keo. Vậy là lợi đôi đằng, mình được việc, bà con có việc làm, có thêm thu nhập. Vì thế ông lập nên công thức làm kinh tế trang trại là: Con “nuôi” cây - Cây làm giàu. Ông Lành “khoe” rằng: Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông đã thu một lứa cây keo (6 năm một lứa) và ba năm nữa sẽ thu lứa thứ hai. Một lứa keo, trừ tất cả chi phí, ông Lành thu trên 500 triệu đồng. Hằng tháng vợ chồng ông có nguồn thu từ đàn bò, ao cá, ba ba, lợn… tháng nhiều bù tháng ít cũng có 30 - 40 triệu đồng.
Hướng tới, Vầy Nưa sẽ thành lập Hợp tác xã hoặc Tổ HTX nuôi cá lồng để tương trợ, giúp đỡ nhau trong việc chuyển giao kĩ thuật nuôi, chăm sóc cá, trong đó tập trung nâng cao chất lượng cá thịt bằng việc đưa những giống cá đặc sản vào nuôi. Để làm được đó thì vai trò của NCT rất quan trọng, có tính quyết định thành, bại. Vì họ là những người có kinh nghiệm trong nghề nuôi cá lồng lâu năm
Nguyên Hồng