Lão nghệ nhân “say” Soọng cô
Tuổi cao gương sáng 13/07/2018 11:16
Chúng tôi tìm đến cụ Quyền, người có tình yêu mãnh liệt đối với nghệ thuật hát Sọong cô của đồng bào mình. Tiếp chúng tôi trong gian nhà nhỏ, cụ Quyền tâm sự: “Tôi sinh ra tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Từ nhỏ, tôi được bà và mẹ ru ngủ bằng những lời ru Sọong cô. Lớn lên tôi lén theo chân các liền anh liền chị đi xem hát và sau cùng là tập hát các làn điệu giao duyên. Dân ca Sán Dìu đi vào tâm thức tôi như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần. Nhờ những lời ca tiếng hát, mà bao chàng trai cô gái Sán Dìu nên duyên vợ chồng”.
Dân ca dân tộc Sán Dìu có nhiều loại hình hát, trong đó nổi bật nhất là hát đối đáp (trong lao động sản xuất, giao duyên), hát ru, hát mừng, hát đám cưới… Nội dung của Soọng cô rất phong phú, đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội như tình yêu đôi lứa; tình yêu thiên nhiên, quê hương xứ sở; đề cao lao động, phê phán cái xấu... Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà Soọng cô truyền tải những thông điệp văn hóa đến mọi người.
Lối hát Soọng cô có ba dạng chính sau: Hát giao duyên, hát trong đám cưới, hát trong lao động sản xuất. Ngôn ngữ trong các làn điệu Soọng cô bình dị, mộc mạc nhưng lại rất trang nhã,mềm mại, khéo léo và tinh tế chủ yếu là những vần thơ tứ tuyệt, nhưng có nhiều bài, câu đầu ba chữ, ba câu sau mỗi câu bảy chữ. Sọong cô có thể hát ở khắp nơi, trên nương, hay gian nhà nhỏ, hẻm núi, sân đình, chùa hay là đường đi... Có những canh hát Sọong cô đến mấy ngày không thôi. Những cuộc hát Sọong cô có thể kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có khi tới 15 ngày từ làng này qua làng khác. Lại có nhiều cô gái đẹp, hát hay làm nhiều trai làng xiêu lòng, từ đó quen nhau, tình yêu nảy nở, trở thành những đôi vợ chồng trăm năm kết tóc.
Cụ Trần Văn Quyền đọc lại các bài hát Sọong cô cổ bằng chữ Nôm của dân tộc Sán Dìu
Người Sán Dìu hát Soọng cô bằng cả tâm hồn, cảm xúc, biểu hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng, chất phác về mối quan hệ giữa người với người thông qua thái độ tôn trọng nghĩa tình và lòng thủy chung son sắt. Bởi vậy, Soọng cô có giá trị tích cực trong giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, gìn giữ và phát huy những từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, trong lao động sản xuất…
Trải qua bao nhiêu biến thiên của thời cuộc, các làn điệu dân ca Sán Dìu ở phường Quang Hanh dần bị mai một và thất truyền. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn làn điệu dân tộc, cụ Trần Văn Quyền, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô phường Quang Hanh tập hợp những người biết hát dân ca và thành lập CLB vào năm 2009. Cụ động viên mọi người cùng nhau góp sức, góp tiền theo phương châm xã hội hóa để bảo tồn làn điệu của dân tộc, đồng thời cùng các hội viên quan tâm bồi dưỡng và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Từ ngày CLB thành lập, khu, phường rộn ràng, náo nức hơn, các buổi sinh hoạt cộng đồng mọi người đến rất đông, ai cũng mong chờ các tiết mục của CLB. Không những duy trì sinh hoạt thường xuyên, biểu diễn, giao lưu giữa các CLB trong phường, tỉnh, CLB còn giao lưu với các tỉnh bạn như Bắc Giang, Thái Nguyên… Bà Trần Thị Hương, thành viên CLB hát Soọng phường Quang Hanh chia sẻ, hiện nay ngoài thời gian đi làm, bà vẫn thường đến CLB sinh hoạt. Tại đây bà không chỉ được các cụ, các ông, bà dạy hát mà còn giải thích ý nghĩa từng lời hát, câu hát... để hiểu và thể hiện được tình cảm ở trong mỗi bài hát.
Bằng những việc làm thiết thực, cụ Quyền đang góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của CLB hát Soọng cô, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp để truyền lại cho thế hệ mai sau.
Long Vũ