Lang y cũng “như mẹ hiền”
Tuổi cao gương sáng 26/06/2018 14:12
Chúng tôi sắm vai người bệnh xương khớp, cốt để “bắt mạch” lang y. Nắm cổ tay, vuốt nhè nhẹ, đặt ngón để xem mạch thì thầy lang Cao Bách Vạn đã vanh vách gọi bệnh, gọi tật; cảnh báo dấu hiệu chứng bệnh sẽ phát sinh, hệt như máy móc tiên tiến. Chúng tôi xoay sang hỏi vườn thuốc, ông cười: Mình ở đất núi, đất rừng phải dựa vào nó chứ. Với lại không gì bằng tự nhiên. Hương núi, hương rừng, đỉnh đèo, bờ khe, ven suối đẫm trong cây quả, hoa lá, trồng thì sao sánh nổi. Cho nên, cái nghề này việc đi hái lá thuốc là quan trọng nhất, tốn thời gian công sức nhất. Nhiều cây thuốc phải hái theo mùa vụ, tiết trời nóng, lạnh, nắng, mưa! Lang Vạn cứ nhẩn nha nói, nhẩn nha kể theo cái nghĩ của ông. Nào là, định thuốc trị bệnh là nghề, nhưng có những cái thuộc “gia truyền” thì phải giữ. Khi vào rừng phải nhận biết đúng cây thuốc trong quần thể cây lá. Phải hiểu đặc tính sinh trưởng của nó để đi hái theo mùa, theo tháng thì kết quả đưa lại mới cao. Tháng nào bố con tôi cũng bỏ ra cả tuần, cơm nắm, gạo túi, ba lô, bao tải ngược lên tận Ba Khe, tỉnh Nghĩa Lộ (cũ), đèo Lũng Lô hái đổ xuôi về Quân Khê quê mình.
Ông kể: Tôi được bà nội truyền nghề cho. Cuối những năm 70 thế kỉ trước, là nhân viên của Trạm Y tế xã, nhưng muốn chuyên sâu với nghề thuốc nam nên tôi xin nghỉ việc... Bà nội tôi là Lê Thị Quy. Dân làng quen gọi là Cố Tắm. Cố Tắm mát tay đỡ đẻ, mát tay bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có 5 người con, nhưng cố lại chọn cháu nội, con của người con trai thứ 2 là tôi để truyền nghề. Cố nắm tay tôi, đôi tròng mắt lõm sâu chằng chịt những vết rạn chân chim dõi thẳng vào mặt tôi, lời cặn kẽ: “Vạn này. Nghe bà dặn. Bốc thuốc là nghề để phúc, để đức. Trị bệnh cứu người. Trước hết là cứu chữa cho anh em, con cháu, sau là người làng, người xã... Ham hố đồng tiền sẽ không thành thầy thuốc giỏi được đâu. Bà nghiệm lời dạy của Cụ Hồ chí lí lắm “Lương y phải như từ mẫu”, phải ghi nhớ!”.
Lang y Vạn thăm khám bệnh cho người cao tuổi của xã
Cả đời gắn bó với nghề, ông chiêm nghiệm thái độ là liệu pháp trị bệnh quan trọng nhất. Nghề thuốc phải thầm lặng hi sinh. Không phân biệt sang hèn, trên dưới. Người bệnh ai cũng như nhau. Họ bị đau thì phải hết lòng cứu chữa. Thật để tâm tới lời kể của bệnh nhân khi xem bệnh để cô đúc lại, bắt đúng bệnh, định đúng thuốc. Không chữa kiểu câu dầm, nhưng cũng chớ để bệnh nhân nôn nóng dùng thuốc!...
Lang y Cao Bách Vạn có tài cứu chữa những bệnh nhân bị tai nạn hoặc bệnh hiểm nghèo. Ông Tuệ ở xã Vân Hội, Văn Chấn giúp hàng xóm dựng nhà, không may kèo sập đè gãy sườn trái, nứt 3 đốt sống, không ngồi được. Bệnh viện Yên Bái chuyển về Bệnh viện Việt - Đức, ông Tuệ không đi vì nhà quá nghèo. Thăm khám, ông bốc 20 thang thuốc đắp, 20 thang sắc uống. Đúng 20 ngày thì ông Tuệ đi lại được... Ông Lâm cũng ở Vân Hội, bị ngã, gãy tới 6 chiếc xương sườn gây chảy máu trong. Bệnh viện Yên Bái đưa gấp về Hà Nội nhưng gia đình nhất quyết tìm về Quân Khê nhờ ông Vạn chữa vì gia cảnh khó khăn. Ông Vạn yêu cầu làm giấy cam đoan, mệnh hệ gì thì gia đình phải chịu! Đây cũng là ca duy nhất ông phải để nằm chữa tại nhà tới hơn nửa tháng trời. Nay ông Lâm đã khỏi.
Lang y Vạn điểm lại: Nào là anh Hải - Phó Giám đốc Ngân hàng tỉnh Hải Dương bị đau xương, tôi chữa giúp chỉ sau vài tuần thì khỏi hẳn. Một cán bộ của Huyện ủy Bắc Yên (Sơn La) bị thoát vị đĩa đệm (có kết quả chiếu chụp), chạy chữa tứ phương không khỏi. Ông ấy cho người về đón, tôi lượng đủ thuốc đem lên. Sau nửa tháng đắp và uống, ông ấy đi lại bình thường. Ông Lâm ở xã Mỹ Lung bị thoát vị đĩa đệm, thuốc thang tốn kém tới nửa trăm triệu, Bệnh viện Việt - Đức chẩn đoán quyết định mổ. Ông ấy bỏ cuộc, tìm đến tôi, chỉ mấy trăm ngàn tiền thuốc, nay lại lên non, xuống dộc, làm rừng làm ruộng như thanh niên trai tráng!...
Khi được hỏi: Bệnh nhân nặng phải trả cho ông bao tiền? Lang y đáp ngay: Người cao nhất cũng chỉ 2 triệu. Các cụ già người trong xã và các cháu nhỏ dưới 18 tháng tuổi bị chấn thương thì xa mấy tôi cũng không lấy tiền!
Chuyện đang lai rai, thì mấy người bệnh tới. Tôi hỏi một thanh niên có tên Nguyễn Tuấn Minh đến lấy thuốc cho ông nội là Nguyễn Tuấn Yên, bị xương khớp và thoát vị đĩa đệm nặng, đi lại phải nhờ vào nạng. Mấy tháng nay, nhờ thuốc của Lang y nên ông cháu đã tự đi lại được. Tôi hỏi nhỏ: Hết bao nhiêu tiền rồi? Cháu bảo: Ít thôi. Chỉ 20.000đồng/ tháng. Ông cháu chữa chưa hết 500.000 đồng
Bài và ảnh Vĩnh Hà - Việt Hồng