Làng nghề mê bồ xã Mỹ Trà, tỉnh Đồng Tháp gìn giữ nghề truyền thống qua nhiều thế hệ
Sự kiện 02/11/2021 10:52
Vợ chồng Ông Lê Thanh Nhàn, bà Trương Lệ Trinh chẽ trúc đan mê bồ
Làng Nghề đan mê bồ Mỹ Trà đã và đang tận dụng tốt nguồn nhiên liệu địa phương; giải quyết được phần lớn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương xã Mỹ Trà. |
Theo các lão nông và người cao tuổi ở Mỹ Trà, xưa kia, cùng với sự phát triển của nghề trồng lúa, nghề đan mê bồ cũng đã hình thành sau đó không lâu. Nằm ở vùng nông thôn, xã Mỹ Trà có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phương tiện giao thông phần đông là ghe, thuyền, giao thông đường thủy rất thuận lợi cho việc buôn bán với các vùng lân cận. Tận dụng hệ sinh thái tiềm năng của nơi này, người xưa đã vận dụng những nguyên vật liệu sẵn có để lao động và sản xuất.Và mê bồ là sản phẩm được sản xuất từ vùng đất có những rừng nhỏ tre, trúc ngút ngàn của vùng nông thôn này. Bồ là vật dụng thiết yếu để chứa, ngăn giữ lúa. Tùy nhu cầu, mê bồ có những kích thước lớn có thể chứa từ vài trăm đến ngàn giạ lúa. Bồ được dựng đứng hoặc nối các mê bồ với nhau như những bức tường hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình elip, được chêm cứng bằng những trụ chống đỡ để chứa lúa bên trong.
Ông Lê Thanh Nhàn, người cao tuổi xã Mỹ Trà cho biết, từ xưa, do không có bao chứa, kho chứa nên lúa thường bị chuột cắn phá hoặc bị ẩm mốc làm giảm chất lượng, ông cha làng nghề này đã nghĩ ra và làm nên sản phẩm đan thủ công mê bồ. Xã Mỹ Trà hiện có 1 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ lúa giống Mỹ Trà và làng nghề mê bồ phát triển tập trung ven rạch Mương Khai và Rạch Chanh, rải đều trên địa bàn 3 ấp, xã Mỹ Trà và một số hộ ở khóm Mỹ Thuận, phường Phú Mỹ, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, làm việc tại nhà.
Vật dụng truyền thống để chẻ nan tre, trúc là mác. Trung bình một lưỡi mác nặng khoảng 1 kg, dài từ 5-7 cm. Mác vừa giống như dao vừa giống búa với hình dáng như một chiếc lá, giúp cho người thợ đạt hiệu quả tốt cho việc tách, chẻ nguyên liệu. Có thể nói, phải cần có một quá trình nhất định để học hỏi, thực hành; để tiếp thu và có kinh nghiệm với nghề, người lao động mới có kỹ thuật tương đối hay thành thạo với nghề đan mê bồ.
Ông Lê Thanh Nhàn nói: “Thợ chẻ tre, trúc thủ công hiện nay thưa dần theo thời gian. Hiện nay, các cơ sở hoặc HTX sản xuất mê bồ chẻ tre, trúc chủ yếu bằng máy với năng suất gấp mấy chục lần chẻ thủ công. Bên cạnh, các cọng tre, trúc nhờ đó, rất đẹp và đều cạnh; ít bị hao hụt sản phẩm hơn nên máy chẻ rất được ưa chuộng trong làng nghề mê bồ này. Đầu tư mua một máy chẻ ruột có giá tiền từ 6 đến 8 triệu đồng tùy theo kiểu dáng, xuất xứ của máy. Máy chẻ tre được làng mê bồ đặt cho cái tên rất Nam bộ là: “máy chẻ ruột hay máy lột da”. Sau công đoạn chẻ là công đoạn mấu chốt: Đan mê bồ. Thứ tự, thợ đan mê bồ sắp khoảng vài chục cọng nan theo chiều dọc, dựa đầu nan lên một thớt gỗ để thuận tiện cho việc lồng những cọng nan ngang lắp vào. Khi nan ngang được lồng qua hết các nan dọc, người thợ xoay đầu nan lại và tiếp tục thao tác lồng lập ngược lại. Quá trình được lặp đi, lặp lại đều đặn cho đến khi hoàn thiện một mê bồ. Rõ ràng, ở làng nghề này không có thợ chuyên khâu. Không phải áp dụng phương pháp dây chuyền Taylor. Mỗi người đều có thể thực hiện tốt tất cả các công đoạn từ tách, vót nan, đan thành phẩm. Có thể nói, nghề đan mê bồ này tương đối nhẹ nhàng, tuy hơi đơn điệu đối những người thợ trẻ. Chỉ cần chịu khó và có chút kỹ thuật là có thể theo nghề. Trung bình mỗi người thợ cho ra từ 3 đến 4 mê bồ thành phẩm/1 ngày.
Cũng theo ông Lê Thanh Nhàn, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã có máy chẻ tre, trúc thay vì sử dụng cách chẻ thủ công. Với cách chẻ thủ công, một lao động trung bình có thể hoàn thành được 5 mê bồ /1 ngày. Còn với người dùng máy chẻ thì một ngày có thể làm ra từ 20 đến 30 mê bồ/1 ngày.Trước đây, thành phẩm mê bồ xã Mỹ Trà được phân phối đến các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Châu Đốc, Rạch Giá,Cà Mau và xa hơn nữa là Hà Nội và cả Campuchia nữa. Theo luật tiến hóa, đào thải của cuộc sống, ngày nay, hầu hết nông dân sau khi thu hoạch, đều có kho chứa lúa hoặc cho vào bao, hiếm khi mê bồ được dùng để ví bồ lúa nên mê bồ không còn được ưa chuộng trong việc chứa lúa nữa. Thay vào đó, mê bồ được tận dụng làm vật lót sàn xà lan trong chuyên chở lúa, phơi khô, phơi hủ tíu, phơi sấy trái cây, bánh tráng,v.v… Theo đơn đặt hàng, các sản phẩm mê bồ sản xuất xong, được các thương lái đến tận nơi thu gom hàng; không phải chuyên chở đi các nơi để bán nữa. Với công dụng làm lót lò xoáy, lót xe tải, trang trí, phơi cá, tấn bờ đê bao… mê bồ được tiêu thụ ở các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, An Giang,…
Bà Lê Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trà |
Theo bà Lê Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trà, làng nghề sản xuất mê bồ truyền thống Mỹ Trà đã và vẫn đang được duy trì, gìn giữ. Ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm, đầu tư trang thiết bị, đầu tư vốn…làng nghề này cần được chú trọng hơn trong việc xây dựng nguồn nhiên liệu ổn định và đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm. Về mặt kinh tế, làng nghề Mỹ Trà đã và đang tận dụng tốt nguồn nhiên liệu địa phương; giải quyết được phần lớn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương xã Mỹ Trà.
Bà Lê Thị Huệ cho biết: “Hiện nay, tổng số hộ trong làng nghề là 68 hộ. Trung bình mỗi hộ có khoảng 5 lao động tham gia sản xuất. Tổng số sản phẩm chính được sản xuất khoảng 1.000 mê bồ/ngày. Phần đông thợ nghề có tuổi từ trung niên trở lên và rất nhiều người cao tuổi. Người đi trước đã gắn bó, truyền lại cho nhiều thế hệ con cháu với nghề đan mê bồ bình dị này. Theo nhịp sống ngày càng nâng cao, theo tiếng gọi của các thành phố lớn, hầu hết thanh niên của Mỹ Trà đi tìm việc làm ở các nhà máy, công ty trong và ngoài tỉnh là điều mặc nhiên của cuộc sống”.