Làng mới bên sông A Vương
Xã hội 19/07/2023 14:37
Ngôi làng trên lưng núi
Bên trong Gươl mới của làng Z’lao, xã Dang, huyện Tây Giang, Quảng Nam, người già người trẻ ngồi chen chúc nhau, phía trước ngọn núi A Chiết, khói bếp cuối chiều bốc lên từ những mái nhà mới quây quần bên Gươl làng. Trong họ, câu chuyện chọn đất dựng làng dù không còn mới nhưng mỗi khi được già làng kể lại, ai cũng hào hứng đến lạ.
Ngày ấy cách đây chừng hơn chục năm có lẻ, làng Z’lao vốn chưa ở lưng chừng núi như hiện nay mà nằm dưới một lũng sâu, nơi con sông A Vương chảy vắt qua những vùng Cơ Tu của Tây Giang và Đông Giang. Trong kí ức của già Bríu Le và người dân Z’lao này, ngôi làng cũ nhỏ nhắn nằm sát dòng sông vốn xinh đẹp, thơ mộng. Sông từng nuôi sống bao thế hệ dân làng, từ mớ cá tôm bắt được, cho tới phù sa màu mỡ cho bãi bờ, giúp bà con trồng trọt, chăn nuôi. Ngày chính quyền địa phương về vận động, người Z’lao và nhiều thôn làng chấp nhận nhường đất làm thủy điện. Tháng 8/2003, đập ngăn nước thủy điện xây dựng, tháng 12/2008, bắt đầu tích nước. Người Z’lao phải rời làng lên lưng núi để tránh con nước thủy điện.
Người dân thôn Z’lao, xã Dang vào hội vui mừng Gươl mới và khánh thành các công trình dân sinh. |
Ngày chọn đất dựng làng, già Bríu Le và những người già trong làng trăn trở lắm. Đêm trước ngày đi chọn đất, già Bríu Le cứ đăm đắm nhìn mãi về ngọn A Diêu, đăm đắm nhìn con nước thủy điện. Theo phong tục cổ truyền, người Cơ Tu lập làng, dựng nhà đều chọn đất ở nơi núi cao, nơi đầu sông, suối. Làng được lập theo vòng tròn hay hình ô van, ở giữa có Gươl, xung quanh là các ngôi nhà lân cận kề nhau, mái hình mai rùa, lợp bằng lá mây, lá tranh. Già Le bàn với những người già khác trong làng, phải rời làng lên cao hơn nữa, để khi con nước dâng lên sẽ không bị ngập làng. Mà cũng không xa con nước để trồng trọt canh tác.
Người già trong làng thống nhất như thế, và cuộc chuyển cư của làng bắt đầu như thế. Già Le chọn đất bằng lửa và cây đót. Hai người cầm đá lửa đánh lửa cháy lên để thui cây chít đót. Bên ngọn lửa bùng cháy, già Le kêu trời, gọi đất, vọng thần linh, ông bà tổ tiên người Cơ tu xin cho dân làng được chỗ ở mới, nhà cửa ổn định, yên bình. Khi cây chít đót cháy, tiếng nổ của cây đót xé ra thì ma quỷ thua, dân làng chiến thắng. Mọi người hú to thể hiện niềm vui mừng, sự thành công của việc chọn đất lập làng.
Trong câu chuyện dưới mái nhà Gươl, già Le vẫn thủ thỉ câu nói của tiền nhân, rằng người Cơ Tu chọn đất dựng làng luôn là câu chuyện dài suốt cuộc hành trình “săn đất”. Bởi ngoài yếu tố chọn vùng đất tốt gắn với rừng, địa hình bằng phẳng, làng Cơ Tu bao giờ cũng nằm cạnh con sông, khúc suối. Nguồn nước phải ổn định để sinh hoạt, trồng tỉa các loại hoa màu, địa thế thuận lợi cho việc ngăn chặn thú rừng cũng như các yếu tố xung đột từ bên ngoài... Những yếu tố đó sẽ quyết định đến việc dừng chân lập làng và sự tồn vong của cả làng. Khi cất xong nhà, một người có uy tín như già làng, trưởng thôn hoặc người lớn nhất trong gia đình sẽ đứng ra nhóm bếp lửa. Thường thì già làng là người nhóm bếp đốt lửa ở Gươl, còn trong các gia đình thì người bố nhóm bếp, nếu không có bố thì mẹ hay người lớn nhất trong nhà nhóm bếp. Người ta làm thịt trâu, thịt con heo lấy máu bôi lên các ngôi nhà và lên từng người trong làng. Còn thịt được dân làng chế biến thành các mâm thức ăn để mọi người cùng quây quần mừng có được làng mới, có nhà mới, mừng thắng được con ma rừng.
Dưới những mái nhà hình mu rùa
Bríu Bác, Trưởng thôn Z’lao kể, trước đây khi rời làng lên lưng núi, Z’lao là ngôi làng “bốn không”: Không đường, không điện, không trường, không trạm y tế. Cuộc sống mưu sinh của người dân khó trăm bề. Thu nhập chính của người dân vẫn là trồng rẫy, khai thác các sản vật rừng như mật ong, măng... nhưng do cách trở, cô lập, thương lái cũng chẳng tới mua. Còn nếu đem chợ bán thì tiền bán được chẳng bù lại được tiền xăng, đò đi lại. Đây được coi là khu tái định cư thủy điện A Vương, ngày lập làng đã được Nhà nước xây dựng trường học, nhà ở, điện, đường, nước nhưng chưa hoàn thành. Thôn có 51 hộ, với 190 nhân khẩu, có 80% là hộ nghèo, cuộc sống của hộ gặp nhiều khó khăn, đường vào thôn là đường đất, nhỏ, dốc, rất khó đi.
“Những ngày ấy, nỗi khó khăn của người Z’lao nhiều như cái lá trên rừng, tâm sự của người Z’lao đau đáu như tiếng con nai con hoẵng thảng thốt hằng đêm, cứ nhiều không kể xiết...”, già Bríu Le về cảnh làng Z’lao trải lòng. Nhưng rồi, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, người Z’lao đã có những sự đổi thay không ngờ. Đường giao thông đi lại thuận tiện hơn và cái bụng của bà con cũng no hơn, áo mặc cũng ấm hơn.
Cùng với sự quan tâm của huyện, các đơn vị, nhà hảo tâm đã hỗ trợ thôn Z’lao nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực để người dân làm nhà mới, xây dựng các công trình dân sinh… qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ông Phạm Sáu, Chủ tịch UBND xã Dang cho biết: Thôn Z’lao là một trong những thôn đặc biệt của xã Dang. Người dân chưa bao giờ nghĩ cuộc sống ổn định như thế này, có mặt bằng, có đường giao thông, có điện lưới quốc gia. Toàn thôn có 51 hộ/190 nhân khẩu, hiện cả 51 hộ đã có nhà bán kiên cố, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, người dân trong thôn vẫn đồng tâm hợp lực, phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần ngày được nâng lên. Cuối tháng 2/2023, thôn Z’lao tổ chức lễ mừng Gươl mới và khánh thành các hạng mục công trình dân sinh.
Chọn đất dựng làng là chuyện hệ trọng của cả một đời người, một đời làng. Tuy hiện nay, việc du canh du cư không còn, đồng bào đã có cuộc sống ổn định, nhưng nghi thức cúng đất lập làng vẫn được cộng đồng người Cơ Tu và các già làng, người uy tín lưu giữ lại nhằm giữ gìn và bảo tồn nét độc đáo trong nghi thức cúng đất dựng làng của thế hệ cha ông để lại.
Theo ông Bhríu Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang, nghi thức cúng đất dựng làng là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu trên địa bàn huyện và để bảo tồn những giá trị truyền thống của địa phương, những năm gần đây, huyện Tây Giang đã chủ trương vận động những già làng, nghệ nhân lưu truyền lại những giá trị tốt đẹp của nghi thức chọn đất lập làng để tuyên truyền cho con cháu tiếp tục phát huy và giữ gìn bản sắc tốt đẹp của đồng bào.