Làm thế nào để người bị tai biến nhanh phục hồi ?
Chăm sóc NCT 14/09/2021 07:48
Chế độ dinh dưỡng cho người bị tai biến
- Đối với người bệnh có thể tự ăn được: Cần có chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đủ chất dinh dưỡng bằng cách kết hợp đa dạng các loại thực phẩm. Thức ăn phải mềm hoặc lỏng, chứa nhiều chất xơ và vitamin như cháo, sữa, súp. Hạn chế cho bệnh nhân ăn những loại thức ăn chứa nhiều chất béo, muối và nên chia nhỏ những bữa ăn trong ngày ra nhiều lần. Tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, không hút thuốc lá...
- Đối với người bệnh không tự ăn được: Để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, người bệnh cần được ăn bằng ống thông. Lượng thực phẩm cần được chia đều và đảm bảo đủ độ lỏng, chia thành nhiều bữa ăn. Chú ý khi người bệnh bị nôn, đầy bụng phải giảm khối lượng bữa ăn và giảm tốc độ khi cho ăn.
Thức ăn mềm, lỏng sẽ giúp người bị tai biến nhanh phục hồi |
Sinh hoạt và luyện tập hằng ngày
Di chứng thường gặp nhất sau tai biến mạch máu não là hạn chế vận động. Vì vậy, bệnh nhân cần được luyện tập thường xuyên để tránh bị teo cơ, cứng khớp, phục hồi dần và có thể tiến tới việc độc lập trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, quá trình tập luyện luôn đòi hỏi sự kiên trì của cả bệnh nhân và người hướng dẫn.
- Trong trường hợp bệnh nhân liệt nửa người chưa tự vận động được, không nên để bệnh nhân nằm nguyên một tư thế, người nhà cần giúp họ thay đổi tư thế 3 giờ một lần để tránh biến chứng loét da. Mỗi lần lật người, cần xoa bóp rượu thuốc, cồn hoặc phấn rôm vào lưng, mông và các vị trí bị tì đè khác. Khi cho ăn uống, nên kê gối sau lưng bệnh nhân để giữ họ ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
- Ở trường hợp nhẹ hơn, tùy mức độ di chứng liệt, cần đề ra một kế hoạch cụ thể cho bệnh nhân tập luyện hằng ngày và nên tuân thủ theo thời gian tập luyện đã đề ra. Lúc đầu tập ở mức độ rất nhẹ, sau đó tăng dần lên để bệnh nhân có thể thích nghi (ví dụ thời gian đầu mỗi ngày dành 30 phút tập đi, dần dần có thể tăng lên 35, 40 hoặc 60 phút). Cố gắng để cho họ tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Nên duy trì việc tập luyện hằng ngày ngay cả khi các di chứng đã được phục hồi.
Tập vận động sớm là cách phục hồi tốt sau tai biến |
Điều trị kết hợp các phương pháp
Nguyên tắc điều trị phục hồi sau tai biến hiệu quả là kết hợp điều trị giữa y học cổ truyền và y học hiện đại để giúp bệnh nhân phục hồi sớm và tốt nhất.
Điều trị duy trì thuốc tây y theo đơn của thầy thuốc. Trường hợp bệnh nhân có tăng huyết áp, nên dùng thuốc hạ huyết áp và duy trì ở mức 140-150/90 mmHg. Khi điều trị các bệnh lý kèm theo khác cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và dùng thuốc bên ngoài.
Bên cạnh đó, cần kết hợp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp và dùng thuốc để nhanh chóng phục hồi các chi bị liệt, giúp cho người bệnh có thể tập vận động tốt hơn.
Di chứng sau tai biến là một cú sốc tâm lý rất lớn, nhiều người thường có tư tưởng buông xuôi, cảm giác trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Vậy nên, cần động viên và an ủi bệnh nhân để giúp bệnh nhân tránh những cảm xúc tiêu cực như lo âu, chán nản, bi quan và giữ được tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Dự phòng tai biến cho người cao tuổi
Tai biến mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm, để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh cho bản thân cùng người cao tuổi trong gia đình như sau:
– Cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè.
– Tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa, nhất là với người bị cao huyết áp.
– Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh. Tránh suy nghĩ nhiều dẫn đến mất ngủ.
– Điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, rối loạn nhịp tim...
– Tránh táo bón. Kiêng rượu, bia và các chất kích thích.
– Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chạy nhanh…