Làm giàu từ mô hình đa canh
Tuổi cao gương sáng 11/06/2024 09:15
Dẫn chúng tôi ra vườn vải, ông Hạnh khoe, gia đình ông trồng cây vải trên đất đồi này từ những năm 80 của thế kỉ trước. Cây vải càng già thì cùi càng dày, hạt nhỏ, vị ngọt đậm đà hơn. Trước kia do không biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nên quả vải mẫu mã xấu, thường hay bị sâu đầu, giá bán thấp, nhiều hộ trong thôn còn chặt bỏ, phá cả vườn. Vợ chồng ông tiếc công tiếc của, cố giữ lại. Ông tích cực nghiên cứu kĩ thuật trồng và cắt tỉa cành cho vải thiều, rồi áp dụng vào chăm sóc vải, do vậy những năm qua, vườn vải của gia đình ông luôn sai trĩu quả, không bị sâu đầu và rất đẹp mã, được thương lái khắp nơi đặt hàng từ lúc vải mới ra hoa.
Ông Mao Văn Hạnh chăm sóc vườn vải của gia đình. |
Được biết với 2ha diện tích đất vườn, đồi, gia đình ông Hạnh đã cải tạo trồng các loại cây ăn quả, không chỉ trồng vải mà còn trồng tới 60 cây nhãn, trong đó có khoảng một nửa là nhãn ghép, với 50 cây bưởi da xanh xung quanh vườn, đồi của gia đình. Đặc biệt, nhận thấy nuôi ong phù hợp với đặc điểm của gia đình do có vườn cây ăn quả. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên ông Hạnh không dám đầu tư nhiều mà chỉ nuôi vài đàn, vừa nuôi vừa học hỏi để có kiến thức. Lúc đầu nuôi còn luống cuống, nhiều khi còn bị ong đốt sưng tấy cả chân, tay. Đến nay, sau nhiều năm vừa học hỏi vừa nuôi, gia đình ông đã có 100 thùng ong và còn gây cầu ong để bán cho người dân xung quanh. Ông cho biết: “Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc. Hơn nữa người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa con ong đi lấy mật là từ Tết Nguyên đán đến tháng 4 âm lịch, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào”. Bình quân, mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 800 - 1.000 lít mật.
Có thể nói, với ý chí, nghị lực khát vọng làm giàu, vợ chồng ông Hạnh đã biến đất đồi khô cằn ban đầu thành một khu vườn cây xanh tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, mỗi năm vườn cây ăn quả kết hợp với nuôi ong, cho gia đình ông doanh thu từ 400 - 450 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cây ăn quả và nuôi ong lấy mật, ông Hạnh luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ về kĩ thuật, cây giống… để bà con trong xã có điều kiện phát triển kinh tế.
Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn cho biết: Ông Hạnh là tấm gương vượt khó tiêu biểu tại địa phương. Mô hình kinh tế của ông đa dạng, trong đó có nhiều cây trồng mới được đưa vào khai thác theo hướng hàng hóa, mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở địa phương; tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp xây dựng quê hương.