Ký ức Điện Biên Phủ
Tuổi cao gương sáng 07/05/2018 15:36
Chúng tôi về thăm mảnh đất Than Uyên (tỉnh Lai Châu) - một trong những cái nôi truyền thống cách mạng của vùng núi Tây Bắc. Than Uyên hôm nay tươi đẹp và phát triển hơn với những con đường đầy cờ hoa rực rỡ, những ngôi nhà tầng san sát mọc lên. Mọi người, mọi nhà đều hân hoan chào đón kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2018) - thời khắc lịch sử của quân và dân ta, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài, mở ra một thời đại mới cho đất nước Việt Nam.
Cụ Nguyễn Văn Hỳ (áo chàm) kể lại chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 cho các hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên. |
Một thời không thể quên
Chúng tôi cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên đến thăm gia đình cụ Nguyễn Văn Hỳ (SN 1923, ở bản Sen Đông 2, xã Mường Than, huyện Than Uyên) - một trong những “chứng nhân lịch sử” của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong ngôi nhà nhỏ, cụ Hỳ đang điềm tĩnh ngồi uống nước. Năm nay cụ đã 95 tuổi, dù chân đã yếu, phải nhờ thêm đôi gậy nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, giọng nói vẫn hào sảng như xưa. Mời chúng tôi chén trà xanh ấm, cụ kể về ngày đầu nhập ngũ, rồi những trận đánh oanh liệt tại chiến dịch biên giới thu đông năm 1950, trận đánh Sầm Nưa (Lào) năm 1951, chiến dịch Hòa Bình cuối 1951 và đặc biệt ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của cụ.
Cụ Hỳ kể: “Hồi đó, chúng tôi vừa đào giao thông hào, vừa phải ngụy trang bằng những đon cỏ. Đào xong đến đâu lại ngụy trang đến đó để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ban ngày địch thả bom, phá đường hào thì đêm đến chúng tôi đào lại, cứ 20m đường hào thì đào một cái hàm ếch để trú. Khi đó, địch đóng quân trên đồi Him Lam mạnh, toàn là quân tinh nhuệ, vì vậy để phá đồi Him Lam, chúng tôi phải “trầy trật” đầy khó khăn. Kéo pháo ra rồi lại kéo pháo vào. Sau đó, chúng tôi được học tập ngắn ngày về cách kéo pháo, rồi giữa các tiểu đội, cá nhân với nhau viết thư thách đấu, nhờ đó quyết tâm cao, cuối cùng cũng kéo pháo vào được trận địa. Vào trận chiến, chúng tôi đánh hết sức mình; cuối cùng đã đánh thắng quân địch giòn giã. Đến giờ, tôi vẫn nhớ cảnh tướng Đờ Cát ngồi im, sau đó xin hàng”.
Được biết, cụ Hỳ sinh ra và lớn lên tại xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ngày 1/5/1949, ông tham gia nhập ngũ tại đơn vị 209, tiểu đoàn 204, đại đội 120, sư đoàn 312. Sau khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Hỳ bị thương nặng ở chân và được phục viên năm 1957, trở lại quê nhà chăm sóc mẹ già. Năm 1966, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đi khai hoang vùng kinh tế mới, cụ cùng gia đình lên mảnh đất Than Uyên lập nghiệp, cống hiến tuổi trẻ cho vùng đất mới.
Với cụ Nguyễn Văn Ngợi (SN 1918, ở khu 6, thị trấn Than Uyên quê gốc ở xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), năm nay tròn 100 mùa xuân. Tháng 4/1949, cụ tham gia nhập ngũ tại đại đội 18, trung đoàn 88, sư đoàn 308. Dù hiện tại sức khỏe có yếu, tai bị nặng, nhưng ký ức về một thời đạn bom năm ấy, cụ vẫn không thể quên.
Cụ tâm sự: “Năm 1953, chuẩn bị chiến dịch, tiểu đội tôi được giao đánh đồi A1. Những ngày chiến đấu với quân địch là những ngày gian khổ. 2 ngày chúng tôi nhịn đói trực chiến đấu. Đến khi đoàn dân công đến mang được 2 nắm cơm mà chúng tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Bước vào chiến dịch, anh em chúng tôi quyết tâm đánh bằng thắng, “dù chết cũng không được lùi bước. Chết cũng phải xứng đáng với Nhân dân”. Sau những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, ta đã giành thắng lợi”.
Còn với cụ bà Nguyễn Thị Vin (88 tuổi) - vợ của cụ Nguyễn Văn Ngợi, chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy là mối lương duyên để hai ông bà gặp nhau, nối lại tình yêu dang dở của tuổi trẻ. Hồi ấy, bà theo đoàn dân công đi biểu diễn tại vùng núi Tây Bắc chỉ mong muốn được gặp lại người yêu cùng quê - cụ Ngợi. Nhưng chiến tranh, bom đạn không thể giúp bà thực hiện được mong muốn ngay. Bà kể: “Hồi ấy, tôi đi theo đoàn dân công, đúng vào đợt cao điểm của chiến dịch Điện Biên Phủ. vừa tải đạn, chúng tôi giúp chuyển bộ đội bị thương ra cấp cứu, chữa trị. Gặp địch bị thương, chúng tôi định bỏ đi, không cứu, nhưng các anh bộ đội bảo chúng tôi nhất định phải cứu, mà khiêng quân địch nặng lắm, gần bằng 2 lần quân ta ấy. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi vẻ vang, tôi đã gặp lại người mình yêu”.
Chiến tranh gian khổ là vậy, hy sinh mất mát nhiều, nhưng điều đó càng khẳng định tinh thần chiến đấu “bất khuất”, tấm lòng nhân đạo của những người con đất Việt. Và chiến tranh, vun đắp thêm cho tình yêu mãnh liệt đôi lứa.
Niềm tự hào dân tộc
Đã 64 năm kể từ ngày chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, nhưng dư âm về chiến dịch ấy vẫn còn vang dội, đó là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
Cụ Nguyễn Văn Hỳ chia sẻ: “Giờ đây sống trong hòa bình, cuộc sống sung túc, đầy đủ, tôi rất vui. Đôi khi ngồi nhớ lại thời chiến tranh tôi mới ngẫm thấy bộ đội ta giỏi thật. Tôi thật tự hào, sung sướng biết bao khi cả thế giới phải suy tôn, nể phục trước một Việt Nam nhỏ bé nhưng anh hùng. Vì vậy, tôi vẫn thường răn dạy con cháu phải luôn noi gương Bác Hồ vĩ đại, phải sống sao cho xứng đáng với những gì cha ông đã hy sinh xương máu để giành lấy hòa bình, tự do như ngày hôm nay”.
“Nếu giờ giặc có đến nhà, tôi vẫn cầm súng xông pha, dù cho tuổi đã già”- cụ Ngợi cười, nắm lấy tay tôi và bảo.
Nghe những câu chuyện của các cụ kể về chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng năm xưa, khiến chúng tôi xúc động bồi hồi. Ông Hoàng Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên chia sẻ: “Tôi rất tự hào về chiến tích của các cụ, dù gian khổ, khó khăn, nhưng các cụ đã làm nên những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, hàng năm chúng tôi cùng Đoàn thanh niên tổ chức “hành trình đỏ” về bản Lướt để ôn lại kỷ niệm, giáo dục truyền thống, lý tưởng cho thế hệ trẻ”.
Thiết nghĩ, là thế hệ trẻ của đất nước, không chỉ tự hào về những trang lịch sử hào hùng, vẻ vang đó mà cần phát huy những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cống hiến, đóng góp viết thêm những trang lịch sử hào hùng trong thời kỳ mới.
Baolaichau.vn