Kì họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV: Xây dựng chiến lược phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Tin tức - Sự kiện 13/11/2019 22:18
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra hơn 13.000 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại tài sản ước tính 6.500 tỉ đồng và 6.000ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại tài sản trị giá 1.631 tỉ đồng và 1.600ha rừng. Địa bàn xảy ra cháy ở thành thị chiếm 60%.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá nguyên nhân chính xảy ra cháy từ sự chủ quan của con người. Đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng cháy, chữa cháy. Là thành viên của đoàn giám sát, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chỉ rõ nguyên nhân chủ quan xảy ra cháy từ chính bản thân con người. Bà dẫn chứng: Mùa Hè năm 2019 thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt khu vực miền Trung. Thông thường đó là nguyên nhân khách quan gây cháy rừng nhưng qua thống kê hàng chục vụ cháy rừng, có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì dường như đều từ sự bất cẩn của con người.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt |
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng cần quan tâm đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong các trường học. Tuy tỉ lệ thấp, chỉ chiếm khoảng 0,11%, theo xu hướng giảm dần và không gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng nguy cơ cháy nổ trong nhà trường vẫn tiềm ẩn. Cả nước có 33.262 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến cấp đại học. Một số cơ sở chấp hành các quy định PCCC chưa nghiêm, trong khi có nhiều vật dụng dễ cháy như bàn ghế, hệ thống phòng chức năng, thiết bị thí nghiệm hay máy vi tính. Các trường bán trú còn có hệ thống bếp ăn, nếu không vận hành đúng quy chuẩn sẽ tăng nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, 23 địa phương chỉ có duy nhất một đội chữa cháy đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh, bán kính bảo vệ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ki-lô-mét; số cán bộ làm công tác phòng ngừa đang bị quá tải về công việc.
Hiện đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó. Nhiều phương án chữa cháy sơ sài, tình huống giả định cháy thường có diện tích nhỏ, dễ xử lí, chưa sát với thực tế.
Tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... khu dân cư nằm trong ngõ, hẻm sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Mật độ các phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, nhiều đô thị thường xuyên xảy ra ùn, tắc khi có cháy, nên cảnh sát phòng cháy, chữa cháy rất khó di chuyển kịp thời đến địa điểm cháy. Hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị, các khu công nghiệp chưa bảo đảm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; chưa đủ số lượng trụ nước cũng như khoảng cách giữa các trụ và áp lực cung cấp nước để thực hiện chữa cháy.
Nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông, ngòi có thể sử dụng chữa cháy ngày càng cạn kiệt do bị san lấp, xây dựng công trình che chắn lối vào lấy nước, hoặc chưa xây dựng các bến lấy nước cho xe chữa cháy, nhiều khu vực không có nguồn nước chữa cháy. Có vụ cháy xảy ra sau 30 phút mới báo cháy cho lực lượng chức năng; hơn 80% số vụ cháy lớn có thời gian cháy tự do trên 10 phút nên đã tạo điều kiện cho đám cháy phát triển lớn, gây khó khăn cho hoạt động chữa cháy…
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng chiến lược phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại... có nguy cơ cháy, nổ cao. Bộ Công an chủ trì tổ chức điều tra, rà soát, nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm cháy, nổ; lập danh sách các địa bàn, cơ sở trọng điểm tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Đối với các địa phương, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, thi công các công trình xây dựng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ thiết kế và cấp phép xây dựng; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng và phòng cháy, chữa cháy; tổ chức thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đúng quy định của pháp luật…