Kì họp lần thứ 9 của Nhóm công tác mở về NCT: Chia sẻ kinh nghiệm thực tế và các chính sách về NCT
Tuổi cao gương sáng 21/08/2018 09:11
Đồng thời, kì họp kêu gọi nhiều ý kiến ủng hộ và góp ý của các quốc gia thành viên nhằm tác động để LHQ tích cực xây dựng, hoàn thiện và sớm ban hành Công ước quốc tế về Quyền của NCT.
Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã cử đại biểu tham dự, Đại sứ Phạm Thị Kim Anh, Phó trưởng Đại diện phái đoàn đã có bài phát biểu.
Tại phiên thảo luận chung về các biện pháp thúc đẩy và bảo đảm quyền của NCT, đã có 41 nước phát biểu. Các đại biểu tiếp tục nhận định xu hướng già hóa dân số đang diễn ra ngày càng nhanh chóng, tác động mạnh tới các nước và khu vực; khẳng định sự quan tâm và ưu tiên cao cho xây dựng và triển khai các chính sách bảo đảm quyền của NCT, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia, đóng góp của NCT trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia. Các biện pháp triển khai gồm: Nâng cao nhận thức; xây dựng cẩm nang chăm sóc NCT; lồng ghép chính sách về NCT trong các chiến lược phát triển quốc gia, các chương trình xóa đói giảm nghèo; cải thiện chế độ bảo hiểm, lương hưu, nhà ở, bảo trợ xã hội, y tế cho NCT, tăng tuổi hưu; thúc đẩy các dịch vụ xã hội dành cho người già cô đơn hoặc khuyết tật; tăng cường nghiên cứu về già hóa và các tác động kinh tế - xã hội; thúc đẩy chia sẻ và hiểu biết giữa các thế hệ…
Để ứng phó tình trạng già hóa dân số, Việt Nam đang triển khai nhiều mô hình CLB trong đó,
mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động hiệu quả
Liên quan tới ý kiến xây dựng Công ước về Quyền của NCT, các nước vẫn chưa đạt được đồng thuận chung về sự cần thiết xây dựng Công ước, có nước cho rằng các văn kiện quốc tế hiện có bảo đảm khung pháp lí đầy đủ cho việc bảo vệ quyền của NCT. Riêng Liên minh EU đề nghị cần phải tham khảo các văn kiện Công ước liên Mỹ về quyền của NCT và Nghị định thư Hiến chương Châu Phi về Quyền của NCT để xây dựng Công ước về Quyền của NCT của LHQ. Đặc biệt, các nước Mỹ Latinh luôn bày tỏ lập trường ủng hộ, thúc đẩy việc xây dựng Công ước, xây dựng các quy chuẩn quốc tế ngăn ngừa lạm dụng, bỏ rơi, bạo hành, bất bình đẳng, phân biệt đối xử với NCT. Sự chưa đồng thuận cũng là một thách thức trên con đường phấn đấu vì một thế giới “Không để một ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong phiên 2 với chuyên đề về “độc lập và tự chủ của NCT” và “chăm sóc dài hạn và giảm nhẹ”, các đại biểu, chuyên gia về quyền của NCT nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp giảm nhẹ đau đớn cho các bệnh nhân giai đoạn cuối đời. Hiện nhiều nước vẫn chưa chú trọng tới vấn đề này, chưa có kinh nghiệm nên nhiều NCT ở giai đoạn cuối đời bị kéo dài sự đau đớn và chịu đựng. Nhiều nước đã chia sẻ các mô hình chăm sóc tại nhà và cộng đồng với chi phí thấp, đồng thời đề xuất cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào chăm sóc, tăng cường công tác đào tạo nhân lực để nâng cao kĩ năng chăm sóc và tránh tình trạng vi phạm nhân quyền khi chăm sóc NCT.
Trong bài phát biểu của Việt Nam, đại sứ Phạm Thị Kim Anh đã nêu rõ: Tình trạng già hóa nhanh chóng của thế giới đã dẫn đến nhiều cơ hội và thách thức và khẳng định các nước cần đẩy mạnh việc bảo vệ Quyền và phẩm giá của NCT. Việt Nam cho rằng kì họp thứ 9 của Nhóm công tác mở về NCT là rất quan trọng để các nước chia sẻ các kinh nghiệm thực tế và các chính sách về NCT.
Với một mạng lưới các cơ sở y tế và rất nhiều chính sách chăm sóc và phát huy vai trò NCT, Việt Nam đã ban hành Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017- 2025 và đang triển khai nhiều phong trào và mô hình câu lạc bộ của NCT, trong đó có mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Mặc dù đang đạt được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế- xã hội, Việt Nam vẫn cần phải đối phó với những thách thức và khó khăn của NCT như vẫn còn bị phân biệt đối xử, bị bỏ rơi và bạo hành… Do vậy, Việt Nam cố gắng nâng cao chất lượng thực hiện luật và chính sách hiện có phù hợp với các công cụ pháp lí quốc tế về NCT.
Sự tham gia tích cực của Phái đoàn ngoại giao Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam đối với NCT. Hội NCT Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm này của Nhà nước và Bộ Ngoại giao.
PV
(Theo thông tin của Bộ Ngoại giao và Tổ chức HelpAge)