Hướng tới Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2018: Người anh hùng giữa thiên nhiên
Tuổi cao gương sáng 16/08/2018 10:00
Anh hùng Lao động Hà Văn Quý, 61 tuổi, người dân tộc Thái nhanh nhẹn dẫn chúng tôi đi thăm trang trại mà vợ chồng ông dày công tu tạo. Giữa nắng hè gay gắt, chúng tôi cảm nhận sự tinh khôi của không gian tỏa ra từ những lùm cây xanh mướt. Đan xen khu vực nhà ở là những luống hoa nhiều màu, đang rung rinh đùa giỡn với ong bướm làm cho bức tranh giữa đại ngàn thêm sinh động. Xa hơn, từng khu vực trồng chanh leo, bơ, xoài, cam, nhãn chi chít quả xanh quả chín. Ven hồ, mấy nhóm thanh niên đang say sưa thả mồi, thi thoảng lại giật cần. Những con cá chép, cá trôi mắc câu bị kéo lên khỏi mặt nước cố vùng vẫy…
Ông Quý cầm một con cá đặt lên cân, trao đổi với khách. Đoạn, ông quay lại phía chúng tôi, tiếp tục câu chuyện: Hồ rộng 3.600m2, vừa thả cá làm điểm vui chơi, thư giãn cho bà con quanh vùng, vừa nuôi cá thịt, cá giống mỗi năm cũng kiếm kha khá…
Bữa cơm thân mật dọn ra. Câu chuyện của ông Quý dần đưa chúng tôi trở lại thời kì gian khó, khi cái đói cái nghèo còn đeo bám đồng bào và gia đình ông. Ấy là những năm 2000 trở về trước, khi ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ngoài việc phát triển cây lương thực, ông nỗ lực vận động Nhân dân trồng chè, rồi thành lập HTX sản xuất kinh doanh chè, thu mua sản phẩm cho nông dân. Khó khăn dần qua, đến nay HTX phát triển tốt, tạo việc làm cho 350 hộ, thu nhập ổn định.
Anh hùng Lao động Hà Văn Quý dẫn khách đi thăm trang trại
Năm 2006, do yêu cầu sản xuất ngày càng cao, ông tiếp tục tìm đối tác thành lập thêm Công ty TNHH chè Tân Lập, đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh chè. Ăn nên làm ra, có uy tín trên thị trường, Công ty tạo việc làm cho 450 hộ trồng chè, 70 công nhân chế biến, mức lương ổn định 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Tranh thủ sự giúp đỡ của đối tác, ông tổ chức tập huấn kĩ thuật chăm sóc, chế biến chè cho nông dân, đồng thời kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hằng năm, ông cùng doanh nghiệp dành 3 tỉ đồng hỗ trợ hàng trăm tấn phân bón NPK, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần đáng kể nâng mức thu nhập các hộ trong vùng nguyên liệu từ 25 triệu đồng/ha lên 120 triệu đồng/ha. Nhiều hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La về sinh sống tại đây, tham gia chương trình, mức sống cao hơn nhiều so với nơi ở cũ.
Ấy vậy mà sau gần 40 năm cống hiến tuổi xuân cho quê hương, ông Quý về nghỉ chế độ với mức lương hưu không đủ chi tiêu tối thiểu cho bản thân và gia đình. "Quê mình vườn rộng, đất nhiều. Phải làm gì đi chứ?". Sau nhiều lần suy nghĩ, tham khảo ý kiến bạn bè, người thân, ông quyết định lên đường, vào Cần Thơ tìm tòi, học hỏi cách làm giàu từ trồng cây ăn quả. Mô hình miệt vườn kết hợp nhà nghỉ cộng đồng đã hấp dẫn ông.
Năm 2012, ông bắt đầu phương án sản xuất mới theo mô hình trang trại tổng hợp. Bỏ tiền tích lũy bấy lâu và mạnh dạn vay thêm được 5 tỉ đồng, ông đầu tư mua đất vườn đồi trồng cam, nhãn, xoài, bơ và hồ vừa nuôi cá thịt, làm dịch vụ câu giải trí, vừa là nơi tích trữ, chứa nước cung cấp tưới tiêu cho toàn khu. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, ông vừa làm vừa nghe ngóng, rút ra cho mình những bài học quý. Ngày ngày, từ sớm tinh mơ, vợ chồng ông đã cùng nhau lên đồi, ngắm nghía chỗ này, quan sát chỗ kia, khi bắt con sâu đục thân, lúc nhổ chùm cỏ dưới gốc hoặc bơm nước tưới cho cây con mới trồng. Diện tích dần mở rộng, công việc cần nhiều lao động hơn, ông bà đã thuê thêm người địa phương chung tay hỗ trợ. Ngôi nhà sàn của vợ chồng ông và con gái ngày ngày thêm khách ra vào, yên tâm như ở trong chính nhà mình. Ông Quý cho biết: Đa phần khách du lịch thích dịch vụ homstay vì giá cả phải chăng, đồ ăn ngon và sạch, đặc biệt, họ được hòa mình với thiên nhiên, được sống với đất và người bản địa. Vì thế, chúng tôi đưa ra dịch vụ tốt mà chi phí chỉ ở mức "nông dân".
Bà Nguyễn Thị Tiện, Trưởng BĐD Hội NCT huyện Mộc Châu cho biết: Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, vợ chồng ông Hà Văn Quý còn quan tâm chia sẻ, hỗ trợ giống vốn, động viên nhiều gia đình trong bản, trong xã cùng xóa bỏ trồng cây thuốc phiện để trồng cây ăn quả, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.
Đến trang trại vào mùa Hè, đi dưới tán cây râm mát, trên con đường bê tông sạch sẽ, thưởng thức những món ăn dân dã từ trang trại do gia chủ tự tay nấu nướng thật không gì hấp dẫn hơn. Chúng tôi ai nấy xuýt xoa, lưu luyến hẹn ngày trở lại…
Bài và ảnh Thanh Hà