Hỗ trợ nông dân, người cao tuổi kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản qua mạng
Xã hội 24/09/2021 15:18
Gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, những chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác (THT) bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, chính sách về tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, THT,... đều không thể triển khai, thực hiện trong thời gian qua do địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Ðây không chỉ là khó khăn trước mắt mà còn là thử thách cho các HTX, THT trong việc duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Toàn tỉnh hiện có 207 HTX nông nghiệp, trong đó có 176 HTX trồng trọt, 19 HTX chăn nuôi và 12 HTX thủy sản. Do yêu cầu kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ nên việc vận chuyển nông sản mất nhiều thời gian hơn so với trước đây. Nhiều loại nông sản bị hư hỏng hoặc phát sinh chi phí để sơ chế bảo quản, giá vật tư, phân bón tăng cao... khiến nông dân NCT có nhiều kinh nghiệm sản xuất e ngại khi tái sản xuất vụ mới. Ðây cũng là khó khăn chung của nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm, ở ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, ông Bùi Văn Tuấn, 60 tuổi chia sẻ: “Trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản gặp khó do thương lái, nhà máy hạn chế mua hoặc mua giá thấp dẫn đến tồn đọng, trong khi đó, lãi vay vốn ngân hàng và các công nợ tới hạn phải thanh toán nên phải bán hàng với giá thấp hoặc chịu lỗ để tiếp tục trữ nông sản. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nông dân NCT không thu được lợi nhuận trong sản xuất. Cùng với đó là giá phân bón tăng cao, khó khăn trong chi phí đầu tư để tái sản xuất. Nếu không có cơ chế hỗ trợ thì các HTX rất khó để tổ chức vận hành sản xuất trở lại”.
Hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản hỗ trợ NCT. |
Kịp thời kết nối cung - cầu qua Cổng Thông tin điện tử
Trước những khó khăn nêu trên, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức kết nối cung - cầu tiêu thụ, sản xuất. Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam ban hành Chương trình số 503/CTr-LMHTXVN, ngày 04/8/2021 về kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX, THT sản xuất theo chuỗi cung ứng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam ông Nguyễn Ngọc Bảo, 63 tuổi đây là chương trình có ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, vai trò, trách nhiệm và sự chăm lo của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đối với sự phát triển kinh tế tập thể và với đất nước trong giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm với tên miền: lmhtxvnmart.opmoc.com để đăng tải đầy đủ thông tin của các sản phẩm lên cổng thông tin này, tạo thuận tiện cho việc cung - cầu. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Với mục tiêu hỗ trợ HTX, nhất là các HTX có NCT làm Giám đốc và thành viên, thường gặp khó khăn về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn đến từng HTX. Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh ông Nguyễn Hoàng Huy cho biết: “Đẩy mạnh giới thiệu và bán sản phẩm trên mạng là lối đi tốt nhất hiện nay mà Liên minh HTX tỉnh hướng đến.
Chính vì thế, việc hỗ trợ các HTX đăng kí thông tin bán hàng trên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm giúp các HTX thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh giữa đại dịch Covid-19. Đến nay, có 7 HTX trên địa bàn tỉnh đăng kí tham gia bán hàng trên Cổng thông tin này.
Giữa đại dịch, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa đều gặp khó khăn, việc hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm là tín hiệu vui cho các HTX nói chung và người lao động, thành viên NCT nói riêng. Qua đó, giúp các HTX giảm được thiệt hại, tăng sức chống chịu để vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần tích cực vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khi trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, các HTX, nhất là các HTX do NCT làm Giám đốc và thành viên, cũng cần được hỗ trợ thêm về kiến thức công nghệ thông tin về kết nối tiêu thụ sản phẩm. Để làm được điều đó thì chính quyền, các ban ngành chức năng, các tổ chức Hội Nông dân, Hội NCT… các cấp cũng phải vào cuộc. Thông qua các lớp tập huấn, các tổ chức này phối hợp với HTX hướng dẫn cho các thành viên, NCT biết cách kết nối, quảng bá nông sản qua Cổng Thông tin điện tử chủ động và thành thạo, để việc tiêu thụ được thuận lợi.