Hạt nhân trong các đội, nhóm của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau 08/05/2023 09:41
Đội Cung nỏ
Ông Đinh Văn Thập (sinh năm 1952), hiện ở tại thôn Ngã Ba, thị trấn Prao. Trước năm 1975, ông được Đảng, Nhà nước đưa sang Quế lâm, Trung Quốc học tập. Năm 1977, ông quay về Việt Nam, rồi sau đó trở lại quê nhà học tập và công tác.
Ông Thập công tác tại Văn phòng UBND huyện, Huyện ủy huyện Hiên (cũ), Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Giang. Năm 2010, ông xin nghỉ hưu trước tuổi, về mở quán bán cà phê. Tham gia công tác địa phương với chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngã Ba, Chủ tịch Hội khuyến học huyện. Không chỉ say mê thơ ca, thổi sáo, ông còn say mê cung nỏ. Ông tự hào khi nói với chúng tôi về thứ vũ khí có tự lâu đời này. Nó là vũ khí của người Cơ Tu, nỏ thể hiện uy lực của người đàn ông. Để tạo ra cái nỏ phải tốn rất nhiều thời gian từ vào rừng tìm gỗ rồi về đẽo, gọt mất cả tháng trời. Dùng nỏ hạ gục các loài thú hung dữ bằng tên tẩm độc; cải thiện đời sống qua săn bắn trước kia… Ông kể: “Mình mua cái nỏ của một người dân tộc thiểu số Mường, năm 2018, giá 4,8 triệu đồng. Dựa vào đó chế tác được hơn 30 cái nỏ lớn nhỏ. Môn bắn nỏ rèn cho mình sức khỏe khi sử dụng cũng như trong quá trình vót tên, làm nỏ. Mỗi sáng sớm mình đều tập bắn, luôn đạt điểm 9, 10”. Trong cuộc thi bắn nỏ dịp Lễ hội mùa Xuân tại Cổng trời Đông Giang, do Công ty CP Tập đoàn FVG TRAVEL tổ chức từ ngày 10 đến 12/3/2023, ông Thập là vận động viên đoạt chức Vô địch. Ông cũng từng đoạt giải Nhì bắn nỏ cấp thị trấn, giải Ba toàn huyện và tỉnh Quảng Nam tháng 7/2022. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch Hội NCT thị trấn Prao cười, chia sẻ: “Ông Thập hiện là Phó chủ nhiệm CLB LTHTGN của thị trấn vừa là đội trưởng Đội Cung nỏ. Đội có 9 thành viên đều là hội viên Hội NCT, trong đó có một nữ. Đặc biệt, ông còn ham thích sáng tác thơ, gần như… xuất khẩu thành thơ luôn!”.
Bà Mai Thị Hồng Đinh (thứ hai từ phải sang) |
Ông Thập cho biết, mình sẽ tổ chức trưng bày nỏ tự làm, tạo địa điểm mới cho anh chị em thành viên Đội có nơi giao lưu, trao đổi về kĩ thuật bắn nỏ cũng như tập luyện nhằm bảo tồn môn thể thao truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
Đội Dân vũ
Đầu năm 2020, bà Mai Thị Hồng Đinh (60 tuổi), dân tộc thiểu số Cơ Tu, nghỉ hưu. Từng trải qua các công việc ở Văn phòng UBND huyện Hiên, phát thanh viên Đài Truyền thanh huyện (27 năm), lãnh đạo Trung tâm Văn hóa huyện, Trưởng phòng Phòng Dân tộc huyện nên hoạt động về lĩnh vực nghệ thuật không xa lạ đối với bà Đinh.
Bà Đinh nghỉ hưu trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Khi dịch được kiểm soát, nhiều hoạt động được tái lập. Bà suy nghĩ cần phải tập hợp số chị em là học sinh miền Nam người Cơ Tu cùng thời với bà. Phải vui hơn, khỏe lên. Chỉ có thể dục, nhảy múa mới giúp giãn gân cốt, giảm xì-trét. Bà Hồng Đinh nghĩ vậy. Lợi thế là bà có quán cà phê mới mở, mặt bằng phía trước rộng rãi sẽ dành cho chị em tập luyện. Bà Đinh lên YouTube sưu tầm các bài múa, điệu nhảy rồi tập lại cho chị em. Ngày 8/5/2022, Nhóm Yêu thương có 6 chị em hội tụ, hầu hết là cán bộ ngành Y tế của huyện nghỉ hưu. Cứ mỗi buổi chiều là Nhóm tập trung tại quán cà phê. Nắng ráo thì tập nhảy bên ngoài, mưa gió thì vào bên trong quán. Để tránh nhàm chán, bà Đinh tăng cường sưu tầm các điệu nhảy mới rồi tập lại cho Nhóm. Bà kể: “Đến nay Nhóm đã tập nhảy được gần 15 bài. Quan trọng là các bà thấy hứng thú và rủ thêm bạn bè. Trên 60 tuổi hay mới 40 tuổi cũng được, cứ vào, Nhóm luôn mở rộng… đem lại niềm vui, tinh thần thoải mái, mọi người năng động hẳn lên”.
Nay Nhóm đã được 10 chị em. Cao tuổi nhất là bà Lê Thị Mai Chanh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; trẻ nhất là cô Y Thị Tiến, bác sĩ Nội khoa, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang; dân tộc Kinh có bà Nguyễn Thị Tâm. Các chị em tự mua sắm áo quần đồng phục, giày mũ. Nhóm gia nhập Đội Dân vũ của CLB LTHTGN thị trấn. Bác sĩ Y Thị Tiến cười, nói: “Tham gia hoạt động này thấy vui và yêu đời hơn! Tôi cũng rủ mấy người bạn tham gia Nhóm”.
Đội Nói lí, hát lí và “tung tung, da dá”
Ông A Râl Blúh (sinh năm 1959), tổ dân phố Tà Vạc, thị trấn Prao hiện là Trưởng ban Công tác Mặt trận, Phó chủ nhiệm CLB LTHTGN. Đội Hát lí, nói lí có 17 thành viên, được thành lập từ 2 năm nay gồm nhiều NCT có kinh nghiệm sống và Đội Vũ điệu “Tung tung, da dá” có 37 thành viên do ông làm Đội trưởng. Ông Phạm Đồng, Chủ nhiệm CLB LTHTGN thị trấn Prao giới thiệu với chúng tôi về loại hình nghệ thuật “Nói lí, hát lí: “Đây là nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu rất độc đáo của người Cơ Tu và thường diễn ra trong những lần tổ chức đám cưới, ăn mừng lúa mới, lễ hội… Nó được xem là nghệ thuật so tài cao thấp giữa những NCT trong và ngoài làng, giữa chủ nhà với khách. Có khi nói lí, hát lí được dùng để trao đổi, bàn bạc, giải quyết những mâu thuẫn trong dòng tộc, bản làng hoặc những thắc mắc về chủ trương, luật pháp... buộc đối tượng nghe phải thừa nhận cái phải, cái đúng và nghe theo”. Nghệ thuật nói lí, hát lí của đồng bào Cơ Tu được truyền từ đời này sang đời khác, là một trong những sản phẩm văn hóa phi vật thể đặc trưng của cộng đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Vũ điệu “ Tung tung, da dá” của đồng bào dân tộc Cơ Tu đã được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
“Chúng tôi chọn người ít bận công việc gia đình, vận động họ vào Đội. Phải tập luyện thường xuyên. Đội “Tung tung, da dá” cũng từng tham gia dự thi trong các hội thao, giao lưu với các đơn vị bạn các huyện miền núi của tỉnh”, ông A Râl Blúh cho biết.
Có thể nói đây là CLB LTHTGN của một thị trấn vùng cao có nhiều đội, nhóm hoạt động nghệ thuật, thể thao gắn chặt với công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc Kinh và Cơ Tu.