GỪNG CÀNG GIÀ CÀNG CAY !
Tuổi cao gương sáng 31/08/2023 13:31
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn |
Tháng 6/2023, khi đã bước qua tuổi 93, nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn xuất bản sách “Nghĩa nặng tình sâu” (NXB Văn học, 2023), cuốn sách thứ 3 của ông trong vòng 6 năm nay. Đó là một tuyển tập tác phẩm báo chí, cùng một số tư liệu lần đầu công bố, như là sự tổng kết cuộc đời và sự nghiệp làm báo, giảng dạy báo chí của ông. Năm 2022, dịp sinh nhật lần thứ 92, ông nói với các học trò cũ dự định biên soạn cuốn sách để tổng kết cuộc đời và sự nghiệp của một nhà báo, nhà giáo vốn nhiều duyện nợ với sự nghiệp “Trồng người” cho nghề báo vinh quang mà không ít hiểm nguy. Tháng 8/2023 - mùa Thu Cách mạng tháng Tám, “Nghĩa nặng tình sâu” đã được Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Viện Báo chí tổ chức tọa đàm, giới thiệu với đồng nghiệp, công chúng báo chí. Với nhà báo, nhà giáo cao niên Trần Bá Lạn, đúng là GỪNG CÀNG GIÀ CÀNG CAY! Ông nói với các học trò, dự tính năm 2024 sẽ có thêm cuốn sách thứ 4 của ông sẽ ra mắt độc giả!
“Nghĩa nặng tình sâu” được tác giả trình tự sắp xếp: Tuyển một, xây dựng giáo trình nghiệp vụ báo chí; Tuyển hai, tác phẩm báo chí được sử dụng rải rác 60 năm qua; Tuyển ba, các bản dịch chữ Hán, khám phá cội nguồn dòng Trần Bính, chi từ cụ Thủy Tổ - thế kỷ XVII. Nội dung đề cập trong ba tuyển như đã nêu thật cô đọng và cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, không theo thứ tự thời gian mà là sự đan xen, có mối quan hệ biện chứng, khăng khít, nhuần nhuyễn. Ví như những chọn lọc rất cô đúc nội dung tuyển hai là để nói về những chuyến đi, quá trình tác nghiệp báo chí, rút bài học hình thành tác phẩm đã công bố trên các báo, là sự minh chứng rõ nét cho những điểm nhấn được ghi trong giáo trình nghiệp vụ, những chất liệu sống động của phóng sự, ký sự, bút ký, của tin … Những nét cơ bản nội dung tuyển hai đã minh họa sống động sự nghiệp của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn trong hơn 60 năm cầm bút, những năm tháng miệt mài dạy nghề trên giảng đường. Các thế hệ học trò được ông truyền thụ kiến thức, kỹ năng làm báo tỏa đi muôn nơi, ở hậu phương và tiền tuyến, nhiều người thành danh, trở thành những nhà báo, nhà quản lý báo chí tinh thông, tận tụy, dạn dày kinh nghiệm.
“Nghĩa tình sâu nặng” mà các thế hệ học trò dành cho thầy Trần Bá Lạn dù ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, vùng cao nguyên, xứ biển Nam Trung bộ, đồng bằng Nam bộ … đẹp mãi như những đóa hoa xuân ngát hương. Người ta ví von nhà giáo là người chèo đò ngang, đưa các thế hệ học trò qua sông an toàn, để lại tiếp tục nối tiếp những chuyến đò sau – nghĩa nặng tình sâu. Nhà giáo Trần Bá Lạn xúc động kể lại những câu chuyện nghĩa tình thầy trò khi tới TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, “trò nhà báo” đã sắp xếp để “thầy nhà báo” bay ra giàn khoan dầu vùng mỏ Bạch Hổ, cảm xúc đong đầy; thầy vượt sóng đi thăm đảo Cù Lao Tràm nơi xứ Quảng – vùng đảo đẹp nào có dễ đến; những cuộc hội ngộ “nhà báo thầy” và “nhà báo trò” xôm tụ khắp mọi miền đất nước.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển, cựu sinh viên Đại học báo chí – Xuất bản khóa khóa 1 đã viết: “Trần Bá Lạn là nhà Hán học còn sót lại”. Đọc tuyển ba, nhận định ấy được chứng minh, khẳng định, thuyết phục. Ngày nay, trong bối cảnh “báo số” - cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 phát triển như vũ bão đưa đến những thay đổi lớn về đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội, về nhận thức và hành động của cuộc sống con người, về kỹ năng làm báo số. Vậy mà, khi đọc tuyển ba người đọc cảm nhận những câu chuyện tâm linh sống động, rất thực mà nhờ nó nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn đã khám phá được nhiều bí ẩn chôn lấp, thất truyền hàng thế kỷ về cội nguồn dòng họ Trần làng Văn Hội; về sự nhiễu nhương khó đoán định trong đời thường, luật nhân quả của nghề báo. Đạo đức nghề báo theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhưng không phải không có những nhà báo kèn cựa, đố kị, tham lam, thu vén, “tâm không sáng”, “lòng không trong”!
Cái đích đạt tới về “Nghĩa nặng tình sâu” như chính tác giả tâm niệm: “Trải qua nhiều thập kỷ với những trải nghiệm thực tế, có một bài học mà tôi thấm thía sâu sắc là sự thất truyền từ lịch sử còn nguyên giá trị đối với thế hệ kế cận, khi phải tiếp nối trách nhiệm liên đới để lại từ quá khứ. Nguyên nhân của tình trạng thất truyền mà tôi phải vào cuộc có nhiều lẽ nẩy sinh từ hoàn cảnh cụ thể, có khi lặng chìm hàng thập kỷ, thậm chí bị ẩn khuất qua nhiều thế kỷ”. Đây là đích đến mà nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn, tuổi 93 đã dành thời gian, dồn tâm sức tập hợp các cứ liệu, tài liệu – có những tài liệu chưa công bố. Quá trình lịch sử liên quan dòng họ Trần Bính chi từ cụ Thủy Tổ hơn 3 thế kỷ trước, liên quan anh linh cụ Tổ Trần Trọng Liêu, một trong những khoa bảng được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đó là những sự thật chuẩn mực, khách quan về các sự kiện liên quan cuộc đời và sự nghiệp làm báo, giảng dạy báo chí – từ bộ giáo trình nghiệp vụ đến qua trình hình thành, phát triển sự nghiệp đào tạo nhân lục báo chí tại một trong những trung tâm đào tạo báo chí lớn của cả nước. Chuyện riêng của một con người – cuộc đời và sự nghiệp – bao giờ cũng gắn bó mật thiết với bao biến động của thời cuộc, lịch sử đất nước và dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo, nhà giáo – dạy nghề báo – Trần Bá Lạn có thể coi là sự hiện hữu đằng sau các cuộc kháng chiến hào hùng chống xâm lược của dân tộc; theo đó là diện mạo nền báo chí cách mạng nước nhà do Bác Hồ sáng lập, rèn luyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng – như Bác Hồ dạy, ngòi bút in đậm từng con chữ trên trang giấy của nhà báo tuân thủ nghiêm ngặt quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng.
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn sinh thành trong một gia đình trí thức dòng dõi yêu nước ở đất Thăng Long Ngàn năm Văn hiến. Thân phụ được vương triều nhà Nguyễn phong hàm Cửu phẩm, được gọi là Cửu Giám. Trần Bá Lạn giảng dạy báo chí, là người đầu tiên trực tiếp đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí, Học viện báo chí và Tuyên truyền. Ông là người đề xuất, kiến tạo, tổ chức biên soạn giáo trình nghiệp vụ báo chí, người góp phần quan trọng từ đầu xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy nghề báo, kết nối các hoạt động đối ngoại, xây dựng thương hiệu và uy tín cho một Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực báo chí hàng đầu của cả nước.
Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, chàng thanh niên Trần Bá Lạn có năng khiếu hội họa, yêu văn chương, đam mê đọc sách cùng gia đình tản cư lên Việt Bắc đi theo kháng chiến. Có năng khiếu hội họa và báo chí bẩm sinh, Trần Bá Lạn được tuyển chọn đi làm báo, theo nghiệp tân văn; được cử đi đào tạo nghề báo một cách bài bản, góp phần chuẩn bị lâu dài cho sự nghiệp đào tạo nhân lực nền báo chí cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp làm báo, giảng dạy báo chí phong phú, kết nối hai thế kỷ chiến chinh ác liệt, sôi động của đất nước. Với “Nghĩa nặng tình sâu” nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn không chỉ để “khắc chế” sự thất truyền lịch sử không đáng có mà còn là sự tri ân sâu sắc cuộc kháng chiến – Đảng và Bác Hồ đã “Tôi luyện cuộc đời và sự nghiệp”; tri ân Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ những ngày “vạn sự khởi đầu nan”. Đích xa ơn là sự tri ân Trường Kỹ nghệ Liên khi IV; nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ nơi chiến khu Việt Bắc; tri ân dòng họ Trần và quê hương làng Văn Hội; tri ân đồng nghiệp và các thế hệ học trò dấn thân cho nghề báo vinh quang; tri ân mái ấm gia đình, các con – đặc biệt là người bạn đời yêu dấu bà Đinh Thị yến – nghệ sỹ ưu tú, gảng viên dạy múa ballet đầu tiên của trường múa Việt Nam…
Tháng 8/2023