Giàu lên từ hạt xoài núi bỏ đi
Tuổi cao gương sáng 06/09/2018 12:40
Bà Ri kể lại: “Tui làm nghề thu mua hạt xoài núi tại các tỉnh miền Trung, nhiều nhất là TP Cam Ranh đã gần 40 năm rồi. Giờ ngồi coi sóc 30 công nhân làm việc, còn việc thu mua, giao nhận hàng đã chuyển sang cho con gái đảm nhận. Cả huyện chỉ có mỗi gia đình tui làm nghề này thôi”.
Năm 1979, trong một lần đi tham quan tại Cam Ranh, bà Ri phát hiện tại đây có khá nhiều cơ sở làm bánh tráng “xoài” từ nguyên liệu trái xoài núi. Người ta nạo hết phần thịt xoài bên ngoài, còn hạt thì vứt đi hay phơi khô để đun nấu. Thấy vậy bà đề nghị thu mua hạt xoài mang về Bến Tre, tách bóc vỏ hạt xoài để bán cho người trồng là nông dân miền núi tỉnh An Giang, Kiên Giang. Điều đáng nói là hạt xoài này sau khi sơ chế, bóc vỏ, mang về trồng rất tốt do phù hợp với đất sét vùng cao. Việc mua bán kéo dài quanh năm và chỉ chậm lại từ tháng 1, tháng 2, bởi thời điểm này xoài núi miền Trung ít dần.
Bà Nguyễn Thị Ri
Ông Chau Lê, ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nói: "Trước đây, tôi phải đi mua hạt xoài núi ngoài miền Trung về bán lại cho nông dân. Từ hơn 20 năm nay, tôi chỉ cần gọi điện thoại là bà Ri giao hàng tận nơi, vừa nhanh, vừa rẻ, hạt xoài lại rất chất lượng”.
Tại Khánh Hòa, giá hạt xoài thu mua từ 600.000 - 700.000 đồng/bao (khoảng 2.400 - 2.500 hạt), sau khi vận chuyển về đây bằng xe tải, bà Ri bán lại cho thương lái từ 800.000 - 900.000 đồng/bao tùy thời điểm (chưa qua chế biến). Mỗi chuyến bà mang về từ 80 - 100 bao, sau khi trừ hết chi phí, lãi từ 8 - 10 triệu đồng. Những năm gần đây để tạo việc làm cho trên 30 lao động nữ tại địa phương, bà Ri mở cơ sở gia công chế biến hạt xoài cung cấp cho thương lái. Cụ thể, người lao động sẽ chặt, tách vỏ bên ngoài để lấy phần hạt xoài bên trong; lột lớp lụa bên ngoài hạt rồi giao cho người mua.
Em Nguyễn Thị Ý kể: “Con làm ở đây 3 năm rồi, ăn tiền theo sản phẩm, lột vỏ lụa là 50.000 đồng/bao, tách vỏ bên ngoài là 120.000 đồng/bao. Người làm giỏi có thể thu nhập trên 300.000 đồng/ngày, người ít hơn khoảng 200.000 đồng". Tuy nhiên, em lo lắng: "Công việc khá nhẹ nhàng nhưng phải cẩn trọng vì mủ bên ngoài vỏ hạt rất độc, dễ gây dị ứng cho da, cho mắt, nhưng hầu hết người lao động chưa được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động và không được mua bảo hiểm y tế”.
Tận dụng phế phẩm bỏ đi để bắt chúng đẻ ra tiền; tạo nguồn nguyên liệu cây giống chất lượng cho các tỉnh miền núi và việc làm thường xuyên cho lao động tại chỗ nhất là phụ nữ và trẻ em nghèo. Đó là những gì mà bà Nguyễn Thị Ri đã và đang thực hiện ở cái tuổi "xưa nay hiếm".
Trương Thanh Liêm