Giải pháp xây dựng tổ chức tự quản bảo vệ môi trường của Hội NCT ở cơ sở
Phát huy vai trò NCT 14/07/2022 11:03
Công tác phối hợp tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát, phản biện xã hội về bảo vệ môi trường; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm… Kết quả trong giai đoạn 2017 - 2022, Trung ương Hội NCT đã tổ chức 25 hội nghị, hội thảo tập huấn truyền thông kiến thức về bảo vệ môi trường cho NCT ở 63 tỉnh, thành phố theo 10 Cụm thi đua, với gần 5.000 cán bộ Hội NCT từ tỉnh đến xã tham dự. Nội dung tập huấn tập trung vào Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ môi trường trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện, đại hóa đất nước; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Khí tượng Thủy văn năm 2015 và các cơ chế chính sách mới về TN&MT... Những nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường đã được các Chi hội NCT hướng dẫn lồng ghép vào phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao- Gương sáng”; các đợt tuyên truyền học tập Nghị quyết của Đảng, của Hội, các ngày truyền thống “Ngày NCT Việt Nam” và “Tháng hành động vì NCT Việt Nam” vào tháng 10 hằng năm, thu hút hội viên, các tầng lớp Nhân dân cùng tham gia. Nhiều nội dung của công tác bảo vệ môi trường như: Trồng rừng, bảo vệ vườn, rừng cây xanh; giữ gìn nguồn nước; thu gom và xử lí rác thải; sử dụng đúng quy trình thuốc bảo vệ thực vật; xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen nếp sống thiếu vệ sinh; quan tâm bảo vệ giữ gìn, tôn tạo cảnh quan văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được hệ thống Hội NCT các cấp phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tổ chức, xã hội tuyên truyền rộng rãi đến từng hội viên, hộ gia đình và mỗi người dân. Những đợt ra quân, mít tinh tuyên truyền về môi trường có sự tham gia phối hợp của hội viên Hội NCT ở khu dân cư đã góp phần bước đầu làm chuyển biến, nâng cao nhận thức cho mọi người dân về môi trường. Trên phạm vi toàn quốc đã xuất hiện các mô hình tổ chức tự quản bảo vệ môi trường của Hội NCT, nổi bật là duy trì, tham gia các hoạt động “thứ bảy, chủ nhật xanh, tình nguyện làm sạch môi trường”... phong trào trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; xây dựng các mô hình NCT tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới như: Mô hình Hợp tác xã thu gom rác thải thôn Phú Cường, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; Doanh nghiệp xử lí rác thải của NCT, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; thu gom, phân loại, xử lí rác thải nhựa của Hội NCT phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Mô hình trồng cây chắn sóng, không đánh cá bằng chất nổ của xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; Mô hình của phường Lĩnh Đông, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh tổ chức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, trồng hơn 30.500 cây các loại trên địa bàn phường, vừa tạo mĩ quan môi trường xanh, vừa có bóng mát để NCT và Nhân dân tập thể dục dưỡng sinh hoặc gặp gỡ giao lưu vào các buổi sáng hoặc chiều; Mô hình vận động đồng bào dân tộc tham gia nếp sống mới của Hội NCT huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu... Đã có nhiều điển hình của tập thể và cá nhân là các khu dân cư văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá: Xã, phường xanh, sạch, đẹp; các tấm gương NCT tham gia bảo vệ môi trường được đăng tải trên website Trung ương Hội NCT và game bài đổi thưởng tiền that và các phương tiện thông tin đại chúng khác đã góp phần hỗ trợ cho công tác quản lí của Nhà nước và nâng cao vị thế, vai trò của Hội NCT ở các khu dân cư và các địa phương.
NCT tham gia thu gom và xử lí rác thải |
Tuy nhiên, nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về nhiều mặt. Nhiều nơi người dân chưa nhận thức được mục tiêu và lợi ích của nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chưa thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi lâu dài của bản thân và của cộng đồng, do đó chưa thực sự tự giác thực hiện và chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường (thậm chí có cả cán bộ cơ sở vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường và bảo vệ môi trường). Cá biệt có những nơi chưa hiểu đầy đủ mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ môi trường, coi đây là một "dự án đầu tư" nên xuất hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, chưa tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thậm chí tham gia qua loa, chiếu lệ, hình thức...
Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường còn gặp nhiều khó khăn; trình độ của cán bộ cơ sở hiện nay về môi trường và nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, thiếu tài liệu phổ cập kiến thức môi trường và bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng các tầng lớp Nhân dân, kể cả một số không ít cán bộ ở cơ sở hiểu biết thiếu đầy đủ, toàn diện. Trong khi đó, ở một số tỉnh sự phối hợp giữa Ban Đại diện, Hội NCT với Sở TN&MT chưa thường xuyên, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường. Tài liệu tuyên truyền về môi trường hiện nay trong hệ thống Hội NCT chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cuộc sống, do đó cũng làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp Nhân dân của Hội NCT ở cơ sở. Đặc biệt tuy đã xây dựng được các mô hình tổ chức tự quản bảo vệ môi trường, song việc chỉ đạo, nhân ra diện rộng và áp dụng rộng rãi trong thực tiễn công tác của Hội NCT cơ sở còn hạn chế. Do các khu dân cư chưa xây dựng được mô hình tổ chức tự quản bảo vệ môi trường, vì vậy công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư chưa có sự phối hợp, lồng ghép chặt chẽ. Vai trò chủ trì các hình thức hoạt động tự quản chưa được phát huy, cơ chế tổ chức phối hợp trong các hoạt động tuyên truyền và giám sát về môi trường chưa cụ thể. Trong khi đó thực tế công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư có nhiều nội dung có thể lồng ghép, phối hợp giữa các chi hội đoàn thể như: Hội họp, tập huấn, các hoạt động truyền thông, các phong trào…. vì vậy khi xây dựng được mô hình tổ chức tự quản, với sự điều hành chung thống nhất của Chi hội NCT sẽ phát huy vai trò và sự phối kết hợp giữa các chi hội trong việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Từ thực trạng tình hình, kinh nghiệm tổ chức tự quản ở khu dân cư hiện nay và những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc đối với tổ chức tự quản; để thực hiện tốt hoạt động bảo vệ môi trường ở cơ sở hiện nay, góp phần thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 138 /CTPH-HNCT-BTNMT ngày 30/3/2022 về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2022 – 2026 giữa Trung ương Hội NCT Việt Nam và Bộ TN&MT cần chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng tổ chức tự quản bảo vệ môi trường của Chi hội NCT ở khu dân cư theo những nội dung cơ bản như sau:
- Về tên gọi: Tổ chức tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư có tên gọi là Tổ tự quản bảo vệ môi trường Chi hội NCT… (tên của khu dân cư). Đây là một hình thức tổ chức tự quản bao gồm các thành viên trong Chi hội NCT ở khu dân cư và các tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, giám sát hoạt động môi trường.
- Về số lượng: Tuỳ theo quy mô của từng khu dân cư để bố trí số lượng thành viên Tổ tự quản NCT bảo vệ môi trường, số lượng Tổ tự quản nên có từ 3-9 thành viên đại diện cho các tổ chức, đoàn thể ở khu dân cư tham gia. Tổ tự quản do Hội NCT cơ sở lập ra và có 1 Tổ trưởng là Chi hội trưởng NCT có uy tín, có khả năng tuyên truyền, vận động và sắp xếp được thời gian thực hiện nhiệm vụ. Nếu số lượng thành viên Tổ tự quản từ 5 người trở lên thì nên có 1 Tổ phó.
- Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động: Tổ tự quản bảo vệ môi trường khu dân cư hoạt động theo nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động, tham gia cùng Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở khu dân cư thực hiện công tác bảo vệ, giám sát các hoạt động về bảo vệ môi trường. Trên cơ sở nguyên tắc tổ chức và hoạt động các Tổ tự quản bảo vệ môi trường khu dân cư xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với quy mô và đặc điểm của từng khu dân cư
- Về nhiệm vụ: Tổ tự quản bảo vệ môi trường của Chi hội NCT có những nhiệm vụ chủ yếu như sau:
+ Tham gia phối hợp với các ngành, các chi hội đoàn thể trên địa bàn thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường;
+ Thực hiện các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường ở khu dân cư theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc và Hội NCT cơ sở, tham gia thực hiện lồng ghép các hoạt động về bảo vệ môi trường với các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;
+ Phối hợp với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và các ngành, các chi hội đoàn thể trên địa bàn xã, phường, thị trấn thực hiện giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường ở khu dân cư;
+ Đề xuất, kiến nghị với Ban Công tác Mặt trận hoặc các cơ quan liên quan những vấn đề về cơ chế, điều kiện để tổ chức Nhân dân tự quản bảo vệ môi trường đúng với pháp luật và phong tục tập quán lành mạnh ở khu dân cư.