Giải pháp nào cho rác thải ở Việt Nam?
Doanh nghiệp - Doanh nhân 20/07/2019 09:15
Thực trạng đáng báo động
Việt Nam có khoảng 26 khu xử lí chất thải rắn, tập trung tại các đô thị lớn, tổng công suất thiết kế khoảng 5.000 tấn/ngày. Có khoảng 660 bãi chôn lấp quy mô trên 1ha, mỗi ngày tiếp nhận 52.538 tấn rác thải trong đó có 30% bãi hợp vệ sinh, còn lại không hợp vệ sinh. Đặc biệt, hầu hết bãi chôn lấp không có máy đầm nén, hệ thống thu gom khí, xử lí nước rác, hệ thống quan trắc môi trường và hạn chế về mặt quản lí. Khoảng 85% lượng chất thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lí chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và chưa tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng sinh ra.
Biến rác thải thành một loại tài nguyên
Nhận thấy thực trạng, thách thức và sức ép đến môi trường cùng với tầm nhìn xa và dài hạn, Khu Liên hợp xử lí chất thải Bình Dương đã “đi trước thời đại”, tìm tòi nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế, xử lí rác hiện đại, trở thành mô hình tiên tiến trong lĩnh vực xử lí môi trường tại Việt Nam.
Dây chuyền phân loại rác thô |
Được thành lập từ năm 2004, với diện tích 100ha với hạ tầng, máy móc, thiết bị, công nghệ xử lí được đầu tư đồng bộ, hiện đại và pháp lí hoàn chỉnh, Khu Liên hợp xử lí chất thải Bình Dương được quy hoạch với nhiều khu chức năng như: khu xử lí rác sinh hoạt, khu xử lí rác công nghiệp, khu xử lí nước rỉ rác, khu tái chế công nghệ cao và các công trình phụ trợ khác. Có thể kể đến như: nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất 320 tấn/ngày; lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; hệ thống xử lí nước rỉ rác công suất 1.000 m3/ngày; xử lí nước thải công nghiệp 50m3/ngày; phát điện hơn 2.000 kW; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch tự chèn công suất 2.000 m2/ngày; tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày để sản xuất gạch xây dựng; các lò sấy bùn thải công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày.
Nước rỉ rác qua các bước xử lí để đạt chuẩn loại A |
Công nhân điều khiển hệ thống chuyển khí từ bãi ủ rác về nhà máy |
Hiện tại, Khu Liên hợp xử lí 600 – 700 tấn rác thải công nghiệp, khoảng 2000 tấn rác thải sinh hoạt, sau đó được tái chế thành nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như nghiên cứu từ tro xỉ lò đốt và bùn thải thành gạch bê tông tự chèn và những cấu kiện bê tông phục vụ cho những công trình xây dựng; phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương được chế biến từ nguồn hữu cơ trong chất thải sinh hoạt theo công nghệ châu Âu với hệ thống quản lí chất lượng ISO 9001:2015 và ISO 14001:2004, xây dựng hệ thống thu khí biogas phát điện, xử lí nước rỉ rác đạt chuẩn loại A theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó được tận dụng để nuôi cá, tưới cây, rửa đường, hấp thụ khí thải lò đốt…
Phân hữu cơ khoáng Con Voi Bình Dương là một sản phẩm thân thiện với môi trường |
Một quy định bắt buộc là xe chở rác khi đi vào Khu liên hợp phải được rửa sạch, trải qua khâu khử trừng rồi mới được đi ra ngoài để tránh mùi hôi, gây ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh khu vực.
Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Khu liên hợp xử lí chất thải Bình Dương tự hào cho biết, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm cho tỉnh Bình Dương trong quá trình phát triển mạnh công nghiệp và đô thị, đồng thời hình thành công nghệ xử lí, tái chế rác hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên và tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội, đội ngũ công nhân viên đã không ngừng nỗ lực và sáng tạo để đạt được mục tiêu xử lí không chôn lấp, tức là rác thải được thu gom về bãi xử lí tận dụng các phế liệu, phế phẩm để tái sinh hoàn toàn đến không còn gì để chôn lấp.
Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Khu liên hợp xử lí chất thải Bình Dương giới thiệu sản phẩm gạch chế biến bằng 100% nguyên liệu tái chế từ rác |
Nói về những vướng mắc đang gặp phải ông Thắng cũng chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là việc rác không được phân loại tại nguồn, không phù hợp với máy móc do đó ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình xử lí. Chúng tôi phải phân loại lại tại nhà máy dẫn đến tăng chi phí. Hơn nữa do rác có nhiều tạp chất khiến cho thời gian tách càng kéo dài lâu hơn. Do đó cần có sự đồng bộ trong toàn bộ quá trình để rút ngắn thời gian cũng như kinh phí, quan trọng nhất là ý thức của người dân. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tái chế bởi hiện tại khả năng cạnh tranh về giá đang là một bài toán khó đối với chúng tôi.”
Với tiêu chí không những xử lí chất thải theo hướng tránh gây nguy hại cho môi trường mà còn làm những sản phẩm hữu cơ thân thiện, Khu liên hiệp Xử lí chất thải Bình Dương hứa hẹn sẽ là đầu tàu giúp Việt Nam cải thiện môi trường, hướng tới sức khỏe cộng đồng.
Nước sau khi đã xử lí được tận dụng để nuôi cá |