Giải pháp nào cho căn bệnh “sợ trách nhiệm”?
Sự kiện 31/05/2023 18:09
Ngày 31/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Căn bệnh “sợ trách nhiệm”?
Thảo luận ở hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đã thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước do tâm lý “sợ trách nhiệm” của cán bộ hiện nay. Vấn đề này mới xuất hiện và đã lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.
Các ĐB thảo luận về kinh tế - xã hội sáng ngày 31/5 |
Do vậy cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ tại sao sợ trách nhiệm?
Từ thực trạng đáng báo động này, đại biểu Tuấn đề nghị cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, câu chuyện đùn đẩy né tránh, làm việc cầm chừng của cán bộ cần phải bắt thế nào cho đúng bệnh. Tại sao Thủ tướng đã rất quyết liệt có 2 công điện gần đây để chấn chỉnh vấn đề này, nhưng vẫn không giải quyết được? Nếu đầu tư công hoàn thành sẽ đóng góp tăng trưởng 2% GDP nhưng tại sao làm nhiều năm nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 14,6%?
Dẫn chứng từ thực tế khi trao đổi với cơ sở, cán bộ tâm sự: “Báo cáo các anh, chúng em là cán bộ mà không làm thì lãnh đạo xử đến nơi đến chốn, nhưng cái khó ở đây là làm sao tham mưu phải đúng quy định pháp luật, đồng thời phải đúng ý chỉ đạo của sếp. Cho nên không xử lý được cán bộ khi họ không tham mưu”. Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, cái chính của vấn đề là trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý người đứng đầu. Có bao nhiêu người đứng sang một bên khi không làm được việc.
Quan tâm hơn nữa đến Người cao tuổi
Về thực hiện chính sách nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Theo Báo cáo của Chính phủ thì việc quan tâm, chăm sóc người cao tuổi đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, nước ta do quy mô quỹ an sinh xã hội còn hạn chế nên chưa thể đảm bảo được thu nhập cho mọi đối tượng người cao tuổi. Trong khi đó, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và trong tương lai gần sẽ tác động mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
ĐB Dương Khắc Mai đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến Người cao tuổi |
Đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, vì hiện nay hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội người cao tuổi chưa hoàn thiện. Để góp phần giải quyết vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị:
Một là, Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội, chăm sóc Người cao tuổi một cách toàn diện. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, đa dạng, chất lượng, kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất xã hội và bảo hiểm mang tính chất dịch vụ thương mại, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân. Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống.
Hai là, thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, trong đó có mô hình chăm sóc Người cao tuổi, nhằm đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của quốc gia và mỗi người dân. Xây dựng chính sách pháp luật về an sinh xã hội cho Người cao tuổi cần phải xây dựng, thực hiện song song với hệ thống pháp luật về kinh tế.
“Người cao tuổi là người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho gia đình, xã hội và góp phần vào xây dựng đất nước. Việc có một chính sách hợp lý nhằm chăm sóc Người cao tuổi ngày càng tốt hơn thể hiện sự bù đắp hết sức cần thiết, là đạo lý cao đẹp, nhân nghĩa của dân tộc ta nên cần phải dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này cả trong trước mắt và dài hạn”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Lo an sinh khi lao động bị mất việc làm
Quan tâm đến việc đảm bảo quyền an sinh xã hội, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho biết, từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính… gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động và cả gia đình họ. Đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…
Nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Việc đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa? Tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung trăn trở.