Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu năm 2023
Sự kiện 22/02/2023 08:41
Năm 2022, công tác giải ngân vốn đầu tư công được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tích cực, với gần 93,5% kế hoạch. Trong đó, biểu dương 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt từ 100% trở lên. Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương nỗ lực thực hiện; ban hành 17/17 văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách thuộc Chương trình; giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 01/2023 đạt 80,8 nghìn tỉ đồng.
Về 3 chương trình MTQG, đã ban hành 69/72 văn bản quy định cơ chế quản lí, hướng dẫn thực hiện các Chương trình. Đến hết tháng 12/2022 đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội trị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 |
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận, làm rõ trách nhiệm; phân tích kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; nhất là những khó khăn, vướng mắc; chia sẻ những mô hình, cách làm hay; đề xuất giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để tổ chức giải ngân vốn đầu tư công thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với thực tế...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác giải ngân và phân bổ vốn đầu tư công vẫn chậm so với yêu cầu; phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công.
Việc đầu tư công chậm, một phần do thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp, kịp thời; trong công tác triển khai dự án do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu; tăng chi phí doanh nghiệp; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác xây dựng kế hoạch còn hạn chế; thiếu quyết tâm chính trị, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lí dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; sự phối hợp giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lí các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định chưa kịp thời, nghiêm minh...
Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vẫn còn khó khăn, vướng mắc, triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, mới đạt 0,2%, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư hơn 2,8 nghìn tỉ đồng chưa đề xuất phương án xử lí. Hiện, tỉ lệ giải ngân vốn thuộc chương trình MTQG tính đến 30/1/2023, mới đạt 57% kế hoạch…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhắc lại, giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực cho sự phát triển, nhằm tạo công ăn, việc làm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục những hạn chế nội tại và tác động bên ngoài. Do đó, các cấp, ngành phải quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023. Các bộ, ngành, địa phương phải đề cao kỉ luật, kỉ cương hành chính, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát các thủ tục pháp lí và giải quyết theo thầm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lí; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc…
Theo Thủ tướng, phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; tăng cường phối hợp trong giải quyết các vướng mắc phát sinh…